Ngai vàng duy nhất còn sót lại từ triều đại cuối cùng của lịch sử Việt Nam: Hơn một thế kỷ chưa từng di chuyển, được xếp hạng bảo vật quốc gia
Trong lịch sử dài của mình, chiếc ngai chỉ được trùng tu một lần duy nhất dưới thời vua Khải Định, vào các năm 1916-1925.
Trong số các triều đại từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam, triều Nguyễn (1802-1945) là triều đại đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến và là triều đại cuối cùng trong lịch sử. Đặc biệt, triều Nguyễn cũng là triều đại duy nhất để lại cho hậu thế chiếc ngai vàng còn nguyên vẹn đến ngày nay, là hiện vật quý giá mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa.

Chiếc ngai vàng này có kích thước đáng nể với chiều cao 101cm, chiều rộng 72cm và chiều dài 87cm. Phần đế của chiếc ngai dài 118cm, rộng 90cm và cao 20cm. Trong lịch sử dài của mình, chiếc ngai chỉ được trùng tu một lần duy nhất dưới thời vua Khải Định, vào các năm 1916-1925. Trong quá trình đó, bửu tán phía trên ngai đã được làm mới, chuyển từ chất liệu gấm lụa sang gỗ sơn son thếp vàng và được chạm khắc một cách tinh xảo.


Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, ngai vàng hiện được bảo quản cẩn thận trong Điện Thái Hòa, nằm trong khu vực Đại nội của Kinh thành Huế. Vào tháng 1 năm 2016, chiếc ngai vàng này đã được chính thức xếp hạng là bảo vật quốc gia, nhấn mạnh giá trị đặc biệt của nó không chỉ về mặt lịch sử mà còn về mặt văn hóa và mỹ thuật.


Trong suốt 143 năm tồn tại của mình, triều Nguyễn đã chứng kiến 13 đời vua ngự tại ngai vàng này. Ngai vàng được hoàn thành dưới thời vua Gia Long, người sáng lập triều đại. Vua Bảo Đại, người cuối cùng ngồi trên ngai vàng này, cũng là vị vua cuối cùng của triều đại. Trong số các vua, Tự Đức là vị có thời gian trị vì lâu nhất, từ năm 1847 đến năm 1883, và đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lịch sử.

Câu chuyện biến động mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhà Nguyễn diễn ra sau cái chết của vua Tự Đức, khi mà vua Dục Đức, vị vua thứ 5, lên ngôi nhưng chỉ tại vị được 3 ngày do bị các quan đại thần phế truất và cuối cùng bị bỏ đói đến chết trong ngục tối vì tội “sửa di chiếu của vua cha”.

Điều đáng chú ý là trong suốt gần một thế kỷ rưỡi, chiếc ngai vàng này chưa bao giờ được di chuyển khỏi vị trí ban đầu của nó tại Điện Thái Hòa. Nhà nghiên cứu Huế, ông Phan Thuận An, từng chia sẻ: “Có giai đoạn ngai vàng đẫm máu trong những cuộc tranh giành ngôi vua, như 4 tháng thay 3 vua, nhưng không ai dịch chuyển chiếc ngai đi nơi khác”.
>> Cận cảnh ba chiếc xe ô tô từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là Bảo vật quốc gia