Ngăn chặn và xử lý nghiêm sai phạm trong việc vận chuyển lốp phế thải xuyên biên giới
Một lượng lớn chất thải nguy hại vẫn được vận chuyển trái phép xuyên biên giới từ những nước phát triển sang các nước đang phát triển, trong đó, có Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam luôn kêu gọi các nước hãy chung tay đẩy lùi thực trạng này và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Hiện tại, Công ty TNHH MSC Việt Nam (hãng tàu MSC) vẫn còn tồn đọng hơn 1.000 container phế thải thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. |
Theo báo cáo của Ban Thư ký Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại, hàng năm, thế giới có khoảng 50 triệu tấn rác thải độc hại được tạo ra và có khoảng 8 triệu tấn được vận chuyển giữa các nước với nhau. Đó là con số có thể thống kê từ những phi vụ vận chuyển hợp pháp, còn trên thực tế, chúng ta chẳng thể biết, con số chính xác là bao nhiêu. Hầu hết, chúng được chở từ Châu Âu đến các nước Châu Phi và một số các nước Châu Á.
Thống kê của Mạng lưới thực thi Công ước Basel cho thấy, một số lượng lớn tivi và đồ điện tử cũ do Nhật Bản thải ra đã được chuyển đến Trung Quốc và Việt Nam. Việc buôn bán chất thải giữa các nước chủ yếu tập trung vào các chất thải có thể tái chế, đặc biệt là các phế liệu kim loại, gồm có kim loại màu, kim loại đen, xỉ và cặn kim loại, phế liệu gốc kim loại như động cơ, xe cơ giới và lốp xe đã qua sử dụng, phế liệu phá dỡ tàu cũ.
Hàng nghìn container lốp xe thải chưa được xử lý dứt điểm
Tại Việt Nam, theo ước tính có khoảng 3 triệu tấn phế liệu, rác thải độc hại Việt Nam nhập về mỗi năm. Trong đó, có 1.000 hợp chất, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, chất hữu cơ cao phân tử có hại cho sức khỏe, được tìm thấy trong rác thải độc hại nhập về Việt Nam.
Theo số liệu thống kê từ năm 2017 của Cục Hải quan Hải Phòng, chỉ riêng các cảng tại thành phố này đã chứa khoảng 5.000 container hàng quá hạn làm thủ tục. Cục Hải quan Hải Phòng mới chỉ khám xét phân loại được 1.353 container, trong đó, có 104 container chứa nhựa phế liệu, máy tính, linh kiện điện tử cũ, nát, 1.085 container chứa lốp cao su đã qua sử dụng và 164 container quần áo cũ…
Đáng lưu ý, trong số các container do Cục Hải quan Hải Phòng thống kê, có hơn 1.000 container chứa lốp xe phế thải đã qua sử dụng do Công ty TNHH MSC Việt Nam (hãng tàu MSC) vận chuyển về tập kết từ năm 2018 và cho đến nay, số hàng hóa trên vẫn còn tồn đọng chưa xử lý dứt điểm, không chỉ chiếm diện tích mà gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh sản xuất của cảng và rất nhiều yếu tố liên quan.
Liên quan đến việc hãng tàu MSC vẫn còn tồn đọng hơn 1.000 container phế thải thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu tại cảng Hải Phòng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý, phóng viên đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng. Theo đó, Lãnh đạo Cục Hải quan cho biết: “Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra được hơn một nửa số container do hãng tàu MSC để tại cảng, toàn bộ số container này đều chứa lốp ô tô, cao su phế liệu đã qua sử dụng”.
Cũng theo Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cho biết: “Cục đã làm việc với các hãng tàu, sau đó làm báo cáo gửi Tổng Cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan) để Tổng Cục chỉ đạo xử lý đối với số lô hàng săm, lốp ô tô đã qua sử dụng, cao su phế liệu do các hãng tàu để lại tại cảng Hải Phòng.
Trong đó, dại diện phía hãng tàu MSC có đề xuất xin được vận chuyển hơn 1.000 container săm, lốp ô tô đã qua sử dụng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, ý kiến của hãng tàu MSC vẫn chưa được Tổng Cục Hải quan đồng ý vì một số lý do chưa được làm rõ. Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm giải phóng các lô hàng phế thải, chất thải nguy hại do các hãng tàu đưa về tập kết tại cảng Hải Phòng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và sẽ có thông báo chính thức tới truyền thông”.
Cần siết chặt hơn các quy định tái xuất về lốp xe phế thải
Trước đó, một vụ việc gây xôn xao dư luận khi một con tàu bắt đầu hành trình kéo dài 1 tháng từ Manila (Philippines) với 69 container rác phế liệu phải quay trở lại bờ biển Canada sau khi đã nằm ở Philippines trong gần 6 năm qua và điều đặc biệt mối quan hệ giữa 2 nước trở nên xấu đi từ khi chính quyền Tổng thống Philippines điều tra vụ một công ty của Canada số hàng rác thải dán nhãn là đồ tái chế đến Philipines từ năm 2013-2014. Sau đó, tòa án Philippines phán quyết lô rác này vi phạm các quy định về tiêu chuẩn an toàn và hợp đồng nhập khẩu là bất hợp pháp…
Số container hàng phế thải do hãng tàu MSC tồn đọng ở cảng đều thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu và có liên quan đến Công ước Basel về việc vận chuyển chất thải nguy hại năm 1989 là điều ước Quốc tế quan trọng nhất liên quan tới chất thải nguy hại, với những quy định cụ thể hóa kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hại xuyên biên giới, đồng thời nâng cao tiêu chí quản lý chất thải, tránh gây nguy hại tới môi trường.
Theo Phụ lục 1, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 nay là Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, các lô hàng săm, lốp ô tô đã qua sử dụng, cao su phế liệu nêu trên thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu và không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 nay là Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc đưa các lô hàng từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam là hành vi “đưa vào Việt Nam hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu”, quy định tại điểm b khoản 5 Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013, được sửa đổi bổ sung tại điểm 10 khoản 11 Điều 1 Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ; Hình thức xử phạt: Phạt tiền (từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng) đối với hành vi đưa vào Việt Nam hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; Hình thức phạt bổ sung: Tịch thu hàng hóa, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu đưa ra khỏi lãnh thổ hoặc tái xuất.
Như vậy có thể thấy, số lô hàng săm, lốp ô tô đã qua sử dụng, cao su phế liệu nêu trên do hãng tàu MSC vận chuyển từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu và không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.
Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải và theo Công ước Basel kiểm soát chất thải xuyên biên giới, mọi Quốc gia cấm việc đưa vào các phế thải độc hại, lốp xe đã qua sử dụng có nhiễm chất độc hại và các loại phế thải khác của nước ngoài vào trong lãnh thổ nước mình, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Để đảm bảo cho công tác quản lý, cần thông tin trao đổi giữa các nước phối hợp chặt chẽ nhằm ngăn ngừa việc vận chuyển bất hợp pháp chất thải nguy hại và thực hiện thật nghiêm đầy đủ các quy tắc của Công ước Basel, việc áp dụng biện pháp vận chuyển đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đến một Quốc gia nào khác, chỉ được phép vận chuyển chúng khi được thực hiện trong điều kiện được sự đồng ý của quốc gia nhập khẩu, bảo đảm không gây ra bất cứ nguy hiểm nào cho sức khoẻ con người và môi trường, cần đưa ra những biện pháp nhằm buộc đơn vị vận chuyển hàng hóa và tổ chức vi pham phải có trách nhiệm hơn đối với các loại lốp xe cũ cũng như tăng cường giám sát các lô hàng…