Nới room tín dụng lần này được rất nhiều bên trông chờ, dù chỉ còn hai chục ngày nữa. Động thái này như luồng gió mát giúp giải nhiệt cho nhiều người đang khát khô cổ trong bối cảnh hiện nay.
Vừa qua, NHNN đã công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay (room tín dụng) chính thức được tăng thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống ngân hàng, tương đương tối đa 240.000 tỷ đồng.
Trước đó, cơ quan điều hành đã khẳng định tăng trưởng tín dụng không quá 14% để kiểm soát lạm phát. Cơ quan điều hành chỉ nới room cho 4 ngân hàng lớn nhất và một số ngân hàng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.
"Hiện nay dư nợ tín dụng tăng 12,2%, như vậy room tín dụng còn lại là 1,8% cộng 2% là 3,8% - một khoảng room tín dụng tương đối thuận lợi cho các ngân hàng thương mại, để tiếp tục tạo điều kiện cung ứng thêm tín dụng cho các doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề đang cần ưu đãi hiện nay.
Các ngân hàng thương mại được phân bổ có thể các mức khác nhau, tùy khả năng thanh khoản của mỗi ngân hàng cũng như việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng," Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Đào Minh Tú đã chia sẻ.
Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng cũng chưa hẳn đã cần thiết hạn mức tín dụng lúc này ví dụ như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bởi hạn mức tín dụng được giao 14% chung của cả nước năm 2022 một số ngân hàng cũng chưa sử dụng hết.
"Điều quan trọng nhất lúc này là cần những dự án, doanh nghiệp, lĩnh vực cần thiết để tập trung hỗ trợ vốn theo chỉ đạo của Chính phủ vào các lĩnh vực ưu tiên. Thứ hai, bản thân các ngân hàng thương mại phải đảm bảo được khả năng thanh khoản cũng như an toàn chung của hệ thống", ông Đào Minh Tú cho hay.
Thực tế, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất cho vay có thể kể đến Vietcombank, Agribank, HDBank, ACB, MB,...