Ngân hàng phải báo cáo danh sách tài khoản 'nghi ngờ' hàng tháng
Chậm nhất ngày 10 hàng tháng, ngân hàng phải cung cấp thông tin về tài khoản có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 17 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán, có hiệu lực từ ngày 1/7.
Đáng chú ý, tại Điều 22 của Thông tư này, NHNN quy định rõ các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của khách hàng theo hướng dẫn của NHNN về thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.
Theo đó, các ngân hàng phải cung cấp danh sách theo yêu cầu của NHNN thông tin về các tài khoản có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật. Thời gian cung cấp chậm nhất vào ngày 10 hàng tháng.
Danh sách khách hàng cá nhân mở và sử dụng tài khoản thanh toán nghi ngờ liên quan giả mạo, gian lận, lừa đảo được ngân hàng cập nhật gồm mã khách hàng (CIF), số giấy tờ tùy thân, loại giấy tờ tùy thân, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số tài khoản, ngày mở tài khoản, số điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, lý do nghi ngờ, trạng thái tài khoản, và thông tin định danh duy nhất của thiết bị (địa chỉ MAC).
Việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng phương tiện điện tử theo hướng dẫn kỹ thuật kết nối của nhà điều hành.
Cùng với đó, phía nhà điều hành cũng đã xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi rỏ gian lận trong hoạt động thanh toán, gọi tắt là SIMO.
Hệ thống SIMO giúp kết nối các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán thông qua cả hai giao thức là portal và API với mục đích xây dựng 1 kho dữ liệu chung về tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận.
Không chỉ NHNN quản lý sát sao, hiện Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05) cũng đã triển khai giải pháp kết nối với các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán để thiết lập hệ thống thông tin kết nối trực tuyến.
Qua đó thông tin về các tài khoản nghi ngờ giả mạo, gian lận lừa đảo từ các đơn vị công an sẽ được thông báo đến các ngân hàng để có thể tạm dừng giao dịch trên kênh online ngay lập tức.
Để kiểm soát và phát hiện kịp thời các tài khoản có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật, hiện các ngân hàng thương mại cũng có hệ thống contact center để tiếp nhận các phản ánh của khách hàng, hệ thống Anti Money Laundering (AML), hệ thống phòng chống gian lận riêng.
Các nhà băng cũng áp dụng nhiều cách thức và mức độ ứng xử với tài khoản nghi ngờ khác nhau. Nếu tài khoản đã được cơ quan chức năng xác định sai phạm sẽ thực hiện chặn giao dịch trên kênh online.
Nếu tài khoản mới chỉ có dấu hiệu nghi ngờ thì ngân hàng sẽ chưa chặn giao dịch trên kênh online, tuy nhiên sẽ yêu cầu định danh lại tài khoản đó, để đảm bảo tài khoản là chính chủ và có thể xác định được chính chủ là người thực hiện giao dịch để có thể truy cứu về sau.
Các chiêu trò lừa đảo tinh vi nhắm tới người dân vào dịp nghỉ lễ, cẩn thận không mất tiền oan
Kho bạc Nhà nước cảnh báo về nguy cơ lừa đảo từ trang web giả mạo