Ngân hàng tiếp tục tăng vốn

14-01-2022 14:28|Hoàng Yến

Một loạt ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, ABBank, Vietbank, ACB, MB, MSB, VIB, OCB... có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022, với tỷ lệ tăng thêm phổ biến từ 20 - 30%.

Ngân hàng lớn tăng vốn

Năm 2021, MSB đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Ngân hàng này dự kiến tiếp tục tăng vốn theo cách đó trong năm 2022, hướng đến mục tiêu vốn điều lệ đạt 20.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo MSB cho biết, Ngân hàng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức năm 2021, tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ. Ngân hàng muốn tỷ lệ an toàn vốn cao hơn so với tiêu chuẩn chung, nhưng vẫn sẽ đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Thực tế, nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế như Basel II, Basel III, các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt như thời gian trước. Đây cũng là phương thức được Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các nhà băng thực hiện nhằm nâng cao tiềm lực tài chính, kể cả các nhà băng quy mô lớn.

Mới đây, Vietcombank và BIDV (2 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối) được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6% (tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới). Sau phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng.

BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 25,77%, từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 40.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng.

Chủ tịch BIDV, ông Phan Đức Tú cho hay, Ngân hàng dự kiến dùng vốn điều lệ tăng thêm để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi, nâng quản trị rủi ro, đồng thời tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, bán lẻ...

Hiện tại, Top 3 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống tổ chức tín dụng lần lượt là VietinBank (48.058 tỷ đồng), VPBank (44.455 tỷ đồng), BIDV (40.220 tỷ đồng). Thứ hạng này dự kiến sẽ thay đổi đáng kể sau khi BIDV, Vietcombank hoàn tất kế hoạch tăng vốn năm 2022.

Đáng chú ý, Vietcombank còn có kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng. Tương tự, BIDV sẽ phát hành thêm 341,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 8,5% theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Trong khi đó, lãnh đạo VietinBank chia sẻ, Ngân hàng có kế hoạch nâng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 54.134 tỷ đồng trong thời gian tới thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Không ít ngân hàng khác như ACB, MB, VIB, OCB có kế hoạch chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ khoảng 20% để tăng vốn điều lệ trong năm 2022.

Nhà băng nhỏ không đứng ngoài cuộc

Ngoài phát hành trái phiếu bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ cũng ráo riết triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu.

VietABank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 950 tỷ đồng, lên gần 5.400 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến thời điểm 31/12/2020. Theo kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, VietABank dự kiến phát hành 95 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, theo tỷ lệ 21,35%. Mục đích tăng vốn của Ngân hàng là đạt chuẩn Basel II, đẩy mạnh công nghệ thông tin, nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô.

Tại ABBank, ngân hàng này vừa hoàn tất việc phát hành hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 11,4 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), hiện đang triển khai kế hoạch chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 35% (tính trên số vốn điều lệ mới sau đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP) từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Kết thúc đợt chia cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của ABBank dự kiến sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank cho biết, số tiền dự kiến thu được hơn 1.142 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (cùng với số tiền thu được từ phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP) chủ yếu được sử dụng để nâng cao các chỉ số an toàn vốn, bổ sung quy mô vốn hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh.

Đối với OCB, Ngân hàng sẽ chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông năm 2021 thông qua. Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho hay, OCB đang tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 21,8% nhằm chuẩn bị cho sự tham gia nhiều hơn của các cổ đông nước ngoài.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank cho rằng, việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) và tăng trưởng kinh doanh trong trung, dài hạn.

Đặc biệt, bộ đệm vốn dày sẽ giúp các ngân hàng có lợi thế trong việc được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng để mở rộng cho vay, gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ, đảm bảo sớm hoàn thành tiêu chuẩn của Basel II cũng như tiến đến Basel III.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Thanh Hà, việc tăng vốn còn giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19.

Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, những số liệu chung có thể che lấp nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp.

Trong khi đó, một số chuyên gia dự báo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng cuối năm 2021 khoảng 2% và năm 2022 là 2,3 - 2,5%, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1-7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm khi các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực.

Chính vì thế, các ngân hàng tiếp tục tích cực tăng vốn để khắc phục những rủi ro, thêm sức bật cho giai đoạn phát triển mới, khi nền kinh tế tiến tới phục hồi hoàn toàn sau khi GDP tăng trưởng âm trong quý III/2021 khiến cả năm 2021 chỉ tăng 2,58%. GDP năm 2020 tăng 2,91%, giai đoạn 2017 - 2019 tăng bình quân 7%/năm, mục tiêu năm 2022 là tăng 6 - 6,5%.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/9/2021, vốn điều lệ toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt 715.580 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm 2021. Trong đó, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 348.481 tỷ đồng, tăng hơn 9,8% và chiếm tỷ trọng 49%; vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm 4 ngân hàng 100% vốn nhà nước là Agribank, GP Bank, OceanBank, CB Bank và 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 169.690 tỷ đồng, tăng gần 9,3%, chiếm tỷ trọng 24%; vốn điều lệ của các công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt 35.077 tỷ đồng, tăng 14,8%...

Về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, đến cuối tháng 9/2021, các ngân hàng thương mại nhà nước đạt 9,17%, các ngân hàng thương mại cổ phần là 11,38%, nhóm ngân hàng nước ngoài là 18,94%.

Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 14,9% vào năm 2025

Nhà mạng 31 năm tuổi chính thức ra mắt sản phẩm 'Loa' thông báo nhận tiền chuyển khoản

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-tiep-tuc-tang-von-131099.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngân hàng tiếp tục tăng vốn
    POWERED BY ONECMS & INTECH