Bất động sản

Ngăn ngừa thịnh nộ của sông - Bài cuối: Cần làm sống lại các dòng sông nội đô

Nhóm PV 02/11/2024 17:47

PGS.TS Vũ Thanh Ca, chuyên gia về môi trường, cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, có thể xuất hiện những đợt mưa có cường độ lớn, trái mùa, vượt quá khả năng điều tiết lũ lụt của các hồ chứa trên lưu vực sông. Do vậy, không chỉ với hồ chứa, việc xây dựng công trình, đô thị ven sông cũng cần tính đến những tác động này của biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu rủi ro.

Giảm bê tông hóa, tăng mảng xanh

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh vấn đề nhiều đô thị bị úng ngập nặng sau đợt mưa bão vừa qua, GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phân tích, có rất nhiều nguyên nhân. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất mạnh, mưa bão cũng sẽ cực đoan hơn.

Diện tích rừng suy giảm cùng với quá trình đô thị hoá tăng rất nhanh hình thành các siêu đô thị gây áp lực cho việc thoát lũ, thoát nước. Ông Học cho rằng, việc “cứng hoá, bê tông hoá” các diện tích vốn là mặt đất, diện tích cây xanh, thu hẹp các lòng sông… càng khiến cho việc thoát nước khi mưa lũ lớn gặp trở ngại.

Ngăn ngừa thịnh nộ của sông - Bài cuối: Cần làm sống lại các dòng sông nội đô ảnh 1
Khu vực bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) ngập sâu do nước sông dâng cao sau mưa bão số 3. Ảnh: Nguyễn Trọng Tài

Trong số rất nhiều giải pháp đặt ra, GS Học nhấn mạnh đến việc đầu tư xứng tầm cho hệ thống tiêu thoát nước. Ví dụ ở Hà Nội, so với năm 2008, năm có một đợt ngập lụt lớn, thì đến nay, năng lực bơm tiêu thoát nước của nội đô đã được nâng lên rất nhiều. Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện các công trình theo quy hoạch tiêu thoát nước, đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, đặc biệt là phía Tây Hà Nội.

Một vấn đề khác, thành phố cần làm sống lại các dòng sông nội đô để tạo dòng chảy, thuận lợi cho thoát nước. Nhưng, quan trọng hơn cả là tư duy quy hoạch. “Bạn cứ nhìn vào các làng cổ Bắc bộ trước đây. Trước mỗi nhà đều có một cái ao. Đất đào ao đó để tôn nền nhà, ao thì để chứa nước phục vụ cuộc sống, sinh hoạt. Khi mưa xuống thì ao trữ được nước.

Bây giờ, đô thị hoá, nhiều ao hồ bị lấp đi. Chúng ta chỉ cần học theo tư duy của người xưa. Mỗi khu đất phát triển đô thị hãy dành khoảng 10% diện tích để làm hồ sinh thái. Khi đó, đất đào hồ để dành cho san nền, không phải dùng cát, đỡ lãng phí tài nguyên. Cái hồ đó cũng góp phần giảm nhiệt độ trong nội khu đô thị. Khi mưa xuống, hồ làm nhiệm vụ chứa nước, giảm được nguy cơ úng ngập”, ông Học phân tích. Khi có hồ sẽ giúp cải thiện cảnh quan môi trường, tăng diện tích mảng xanh; giúp tăng lượng nước ngầm, giảm sụt lún…

Về đảm bảo an toàn đê sông, đặc biệt là đê sông Hồng, GS Học nhấn mạnh, đầu tiên phải đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quy hoạch phòng, chống lũ. Những khu vực nằm trong hàng lang an toàn thoát lũ là “không được động đến”.

Hà Nội và các cơ quan liên quan có thể tham khảo kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới về việc thiết lập siêu đê (diện tích rộng, cao). Người dân có thể làm nhà cửa, sinh sống trên thân đê - vừa đảm bảo an toàn phòng, chống lũ, vừa giải quyết đời sống của người dân.

Ngăn ngừa thịnh nộ của sông - Bài cuối: Cần làm sống lại các dòng sông nội đô ảnh 2
Nhiều ô tô ở thành phố Thái Nguyên (khu vực giáp sông Cầu) bị ngập lụt trong đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng, Luật Thủ đô đã xác định phải quy hoạch phát triển 2 bờ sông Hồng thành trục phát triển, cảnh quan, đặc biệt khu vực bãi giữa sông Hồng.

Theo ông Tùng, mong muốn là vậy nhưng phải hiểu sông Hồng biến động rất phức tạp, chúng ta cũng không làm chủ được thượng nguồn, khi lũ về nước ngập cuốn phăng mọi thứ. Ông Tùng ủng hộ việc xây dựng đập sông Hồng để trị thủy, bảo vệ nguồn nước.

"Không chỉ bảo vệ nguồn nước cho Hà Nội mà cả cho nhiều tỉnh trong lưu vực, lưu trữ nước để phục vụ tái phát triển. Cơn bão số 3 vừa qua chỉ là bài học nhắc nhở vì sẽ còn nhiều cơn bão với tần suất càng lúc càng lớn do biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa quy hoạch sông Hồng cần thực hiện bằng cách ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ", ông Tùng nói.

Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, cập nhật, điều chỉnh các quy trình vận hành đơn hồ chứa, phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó, xây dựng, phê duyệt và rà soát các bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước có liên quan để xây dựng, cập nhật các phương án theo quy định. Các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng rà soát các quy trình vận hành đơn hồ, các phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trên cơ sở tính toán, cập nhật số liệu khí tượng thủy văn, mưa, lũ lịch sử.

KTS Marco Buinhass, Giám đốc thiết kế Cty tư vấn Quốc tế enCity, đánh giá, có dòng sông, đặc biệt là sông Hồng sẽ đóng vai trò như nguồn lực chính để bù đắp thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững của một Hà Nội xanh và sinh thái.

Chuyên gia này nêu quy trình phục hồi sinh thái là bước đầu tiên hướng tới tầm nhìn về hành lang sông Hồng như một vùng giảm nhẹ lũ lụt, cải thiện chức năng sinh thái và khai thác tiềm năng của một trục phát triển xanh cho trung tâm Hà Nội.

Đồng thời, cần xem xét một hệ thống cơ sở hạ tầng, nhưng không có rào cản để bảo đảm khả năng tiếp cận toàn diện và sự hòa nhập đô thị thích hợp, có ý nghĩa của hệ thống đê sông Hồng…

Phải tính tới yếu tố biến đổi khí hậu

Về vấn đề an toàn hồ, đập khi mưa lũ bất thường, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nhấn mạnh, cần xem xét một số yếu tố trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (Quy trình 740). Ông Ca nêu, quy định thời kỳ lũ muộn từ 22/8 tới 15/9 trong Quy trình 470 là có cơ sở khoa học.

Ông Ca chia sẻ, cuối tháng 9, miền Bắc bước vào mùa hanh khô và khả năng xảy ra lũ lụt rất ít. Trong trường hợp này, các hồ thủy điện, thủy lợi cần tích nước để sử dụng phát điện hoặc phục vụ tưới trong hoạt động nông nghiệp trong cả mùa khô tiếp theo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khi mùa khô có thể kéo dài hơn và khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng có thể làm thời tiết biến đổi khó lường và có thể xảy ra bão hoặc mưa lũ rất lớn trong thời gian hanh khô. Do vậy, cần quy định lại việc điều hành các hồ chứa, liên hồ chứa một cách linh hoạt hơn, căn cứ vào thông tin dự báo lượng mưa, lưu lượng nước thượng nguồn để vận hành hồ chứa đảm bảo yêu cầu an toàn công trình, phòng, chống lũ, lụt, cấp nước cho hạ du và các yêu cầu cần thiết khác.

Ông Ca đặc biệt nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu có thể xuất hiện những đợt mưa có cường độ lớn, trái mùa, vượt quá khả năng điều tiết lũ lụt của các hồ chứa trên lưu vực sông. Do vậy, không chỉ với hồ chứa, việc xây dựng các công trình, các đô thị ven sông cũng cần tính đến các tác động này của biến đổi khí hậu nhằm giảm rủi ro lũ lụt, sạt lở bờ sông tới mức thấp nhất.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau đợt mưa lũ lịch sử do bão Yagi, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi các bộ, ngành địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ hồ chứa về đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Trong văn bản này, Bộ TN&MT đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì hướng dẫn rà soát, xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai, nhất là các kịch bản vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập, trên cơ sở cập nhật các hiện tượng bất thường, cực đoan, khó dự đoán, điển hình như đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua.

Đáng chú ý, Bộ TN&MT đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra, rà soát lại công tác xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Hồng, hạ du các hồ chứa lớn, quan trọng, phục vụ xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Đồng thời, đôn đốc các chủ hồ chứa thủy lợi sớm triển khai việc xây dựng quy trình vận hành đơn hồ để bảo đảm vận hành các hồ, đập thủy lợi an toàn theo đúng quy định. Nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường.

>> Ngăn ngừa thịnh nộ của sông- Bài 3: Thận trọng với quy hoạch sông Hồng

Ngăn ngừa thịnh nộ của sông- Bài 3: Thận trọng với quy hoạch sông Hồng

May Sông Hồng (MSH) báo lãi 130 tỷ đồng trong quý III, tăng trưởng 155%

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/ngan-ngua-thinh-no-cua-song-bai-cuoi-can-lam-song-lai-cac-dong-song-noi-do-post1687683.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngăn ngừa thịnh nộ của sông - Bài cuối: Cần làm sống lại các dòng sông nội đô
    POWERED BY ONECMS & INTECH