Lần đầu tiên Việt Nam có sân bay nằm hoàn toàn trên mặt nước, dự kiến chi phí hơn 9.200 tỷ
Sân bay này dự kiến đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng với công suất giai đoạn đầu 1,5 triệu khách/năm.
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những mục tiêu trọng tâm của lần điều chỉnh này là nghiên cứu bổ sung Cảng hàng không Măng Đen (tỉnh Quảng Ngãi) và Cảng hàng không Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) vào hệ thống cảng hàng không quốc gia, đồng thời xem xét, cập nhật một số nội dung khác trong quy hoạch nếu cần thiết.
Trước đó, vào tháng 10/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa đã gửi văn bản tới Bộ Xây dựng và Cục Hàng không Việt Nam, hoàn thiện đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không quốc tế Vân Phong. Theo đề xuất, sân bay này sẽ được xây dựng tại xã Vạn Thắng (Khánh Hòa), cách sân bay Cam Ranh 108km về phía Nam và cách sân bay Tuy Hòa 48km về phía Bắc.

Khu vực quy hoạch dự kiến rộng hơn 497 ha, toàn bộ nằm trên vùng mặt nước ven bờ, không ảnh hưởng đến dân cư, rừng bảo hộ, rừng ngập mặn, di tích lịch sử hay khu neo đậu tàu thuyền. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2023 đến 2029.
Ở giai đoạn đầu, sân bay Vân Phong được thiết kế công suất khoảng 1,5 triệu hành khách/năm (tương đương 600 hành khách/giờ cao điểm), đạt tiêu chuẩn ICAO cấp 4E và sân bay quân sự cấp I. Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu ước tính hơn 9.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 2.150 tỷ đồng, phần còn lại hơn 7.060 tỷ đồng huy động từ khu vực tư nhân.
Khi đi vào khai thác, sân bay Vân Phong được kỳ vọng đón từ 5 - 7 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch tại khu vực Nam Trung Bộ.
>> Việt Nam dự kiến có thêm 2 sân bay mới, 1 nằm trên đồi núi, 1 nằm trên mặt nước
Việt Nam dự kiến có sân bay mới, tọa lạc tại ‘Đà Lạt thứ 2’ của Tây Nguyên
Việt Nam dự kiến có thêm 2 sân bay mới, 1 nằm trên đồi núi, 1 nằm trên mặt nước