Ngân sách không có tiền, có thể đi vay để tăng lương cho cán bộ

02-06-2023 10:12|Bảo Duy

Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng, nhân lực là trụ cột phát triển đất nước, cần tăng lương cho người lao động, kể cả ngân sách không có tiền, phải đi vay về “đầu tư cho con người”.

Chiều 1/6, Quốc hội Khóa XV thảo luận phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang khá thấp.

"Trong các kỳ họp từ trước tới nay, chúng ta đều nêu Chính phủ không bao giờ đạt được chỉ tiêu năng suất lao động. Cần kiểm điểm xem năng suất lao động ở mức nào; có phải do người lao động, cán bộ, công nhân, viên chức không chịu làm việc hay do quản lý? So với các nước xung quanh, năng suất ta rất thấp, gần như ở tầng dưới", ông Thân nói.

Chỉ ra số lao động trong khu vực Nhà nước là cán bộ, công chức, viên chức chiếm khoảng 20%, ông đề nghị quan tâm cơ chế tăng lương cho đội ngũ này với lập luận "tăng lương chính là đầu tư".

"Chúng ta đầu tư hạ tầng hàng triệu tỷ đồng, sao không đầu tư vào con người nhiều hơn nữa để tránh câu chuyện trả lương thế nào thì làm việc như vậy?", ông Thân đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét vấn đề tăng lương, nguồn ngân sách thậm chí có thể đi vay để trả lương cho cán bộ công nhân viên chức.

Về phía Thống đốc NHNN Việt Nam lý giải ngân hàng không thể cho vay nếu không có thế chấp. Tuy nhiên, theo ông Thân, hiện có nhiều quỹ như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ khoa học... nhưng không phát huy tác dụng. Đó cũng là lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết tồn dư ngân sách hơn 1 triệu tỷ đồng và hiện đang gửi ngân hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp đang rất thiếu tiền, đầu tư công cũng cần vốn nhưng để tồn dư ngân sách rất lớn.

Cũng theo đại biểu, việc 1 triệu tỷ đồng đang gửi trong ngân hàng, kho bạc với lãi suất 0,8%/năm là "lãng phí lớn". Ông nói: "Đồng tiền phải quay vòng càng nhiều càng tốt. Doanh nghiệp thiếu tiền, đầu tư công thiếu tiền mà tồn dư của chúng ta để trong ngân hàng, kho bạc rồi lại đi vay".

Trước đó, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu quan điểm: "Đất nước đã 48 năm thống nhất, kinh tế cũng phát triển, nhiều thành tựu hơn, GDP bình quân đầu người đã trên 4.000 USD/người, phải xác định lại nguyên tắc trả lương cho người lao động".

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, mức tiền lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu. Nguyên tắc trả lương phải đảm bảo người đi làm ngoài nuôi mình, cần nuôi được gần thêm một người nữa. Như vậy họ mới đủ tiền để còn nuôi con, nuôi cha mẹ đã về già.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - Vũ Thị Lưu Mai dẫn chứng, một sinh viên mới ra trường ở Việt Nam có mức thu nhập 3,48 triệu đồng, còn lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, một công chức của Thái Lan thu nhập là 56,7 triệu đồng/tháng, Malaysia là 29 triệu đồng, còn Campuchia là 17 triệu đồng.

“Năm 2022, chúng ta tăng thu khá lớn, ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 208.000 tỷ đồng, số chuyển nguồn cải cách tiền lương là 269.000 tỷ đồng. Nguồn lực này cần ưu tiên để cải cách tiền lương”, bà Mai kiến nghị.

Bộ Nội vụ tham mưu lộ trình cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo thu nhập của CBCCVC

Cải thiện tiền lương: Phải có giải pháp đột phá ngay, không chỉ trông chờ vào NSNN

Thu NSNN đáp ứng kịp thời cải cách tiền lương, an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-sach-khong-co-tien-co-the-di-vay-de-tang-luong-cho-can-bo-185923.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngân sách không có tiền, có thể đi vay để tăng lương cho cán bộ
POWERED BY ONECMS & INTECH