Vĩ mô

Ngành gỗ “chật vật” tìm cơ hội phát triển bền vững

Anh Vũ 23/12/2023 - 16:15

Theo chuyên gia, năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn, tổng thể tuy có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều.

Ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn

Về sự phá triển của ngành gỗ Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VINFOREST) đã chỉ ra một số thực tế khó khăn của ngành gỗ.

Thứ nhất, các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Cụ thể, quy định chống phá rừng của EU (EU Deforestation Regulation, EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6 năm 2023 quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng.

>>Nhiều thách thức cho phát triển ngành gỗ Việt Nam

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu càng mở rộng thì các doanh nghiệp Việt tham gia càng đối mặt với các rủi ro tạo ra bởi các vụ kiện, tranh chấp thương mại, bởi thực tế vấn đề này đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, ngành đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương nhằm giải quyết vấn đề này.

Thứ hai, yêu cầu cả ở trong nước và tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu Net Zero ngày càng tăng. Sản phẩm có hàm lượng carbon cao sẽ trở nên đắt đỏ và mất tính cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 – 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, đây là loại gỗ rủi ro về pháp lý, chiếm 30-40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của cả ngành. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới hình hành của toàn ngành gỗ Việt mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp và đặc biệt là nguồn gỗ rừng trồng trong nước có nguồn gốc từ hàng triệu nông hộ.

Ngoài ra, việc thực hiện các quy định nêu trên là điều bắt buộc với doanh nghiệp tham gia thị trường. Những quy định mới, kèm theo tín hiệu của thị trường cho thấy 2024 có thể sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành.

“Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Về tổng thể, ngành gỗ có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023”, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.

>> Một đại gia ngành gỗ bị gõ đầu nợ thuế

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch CTCP Gỗ Lâm Việt cho biết, tình hình khó đoán định, triển vọng chưa rõ ràng. Đơn hàng cho đầu năm 2024 đã có nhưng chưa hết công suất nhà máy.

“Quý III, quý IV năm nay, đơn hàng có tăng nhưng đây là đơn hàng bù vào giảm tồn kho của Mỹ, EU và phục vụ cho dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, chứ không phải đơn hàng bền vững. Tín hiệu này chưa thể đánh giá được triển vọng năm 2024”, ông Nguyễn Liêm chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cũng cho rằng các doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại, không quá dồi dào như năm ngoái nhưng cũng đủ việc cho công nhân sản xuất, nhà máy vận hành. Còn một số khác cũng bắt đầu gom nguyên liệu, chuẩn bị nhà máy cho mùa cao điểm năm tới.

Chủ động thích ứng với những quy định mới

Trước những quy định mới của các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, ví dụ như việc EU đưa ra quy định mới về chống phá rừng (EUDR). Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ đang nỗ lực, chủ động thích ứng nhằm đáp ứng tốt hơn với các quy định trên và mở rộng thị trường, góp phần phát triển bền vững ngành trong tương lai.

Trong việc chủ động thích ứng, theo ông Bảo, hiện nay toàn ngành lâm nghiệp chủ động, ngoài hỗ trợ quốc tế, EU có dự án hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2024-2027, dành phần lớn nguồn lực để truy xuất các chuỗi ngành hàng để bảo bền vững. Bên cạnh đó, các nguồn lực trong nước cũng triển khai hỗ trợ các dự án điểm, xây dựng cơ sở dữ liệu.

“Ngay sau khi có hướng dẫn của EU, chúng tôi sẽ chủ động triển khai tập huấn, tuyên truyền quảng bá đến tận người nông dân để đảm bảo thông tin được cung cấp kịp thời, hợp lý, tránh ảnh hưởng đến cả chuỗi giá trị”, ông Bảo cho hay.

Về khả năng xây dựng nền cơ sở dữ liệu trên toàn quốc ngành gỗ, ông Bảo nhận định, để truy xuất được tất cả các hộ gia đình thì phải cần một thời gian dài. Thời gian tới, ngành gỗ sẽ lựa chọn một vài huyện ở dạng điểm thí điểm, kết hợp cùng chính quyền địa phương, các doanh nghiệp liên kết chuỗi rừng trồng để xây dựng vùng truy xuất nguồn gốc.

>>Lỗ lũy kế 3.100 tỷ, Gỗ Trường Thành vẫn được ngân hàng SinoPac duyệt khoản vay 1,5 triệu USD

Hiện tổng diện tích rừng trồng khoảng 3,5 triệu ha, mà dự báo đến hết năm 2030 diện tích được cấp chứng chỉ rừng với gần 1 triệu ha. Như vậy để thấy, diện tích rừng không có chứng chỉ là rất lớn, có nhiều rủi ro.

Vì vậy, ngay trong năm tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với dự án hỗ trợ của Chương trình lâm nghiệp bền vững sẽ thí điểm tại Tuyên Quang và một số điểm ở Tây Nguyên sẽ cấp mã vùng trồng, truy xuất đến vùng địa lý. Việc cấp chứng chỉ rừng có thể rất tốn kém và mất thời gian nhưng mã vùng trồng sẽ được cấp theo quy định của Việt Nam. Các mã vùng trồng nếu đáp ứng theo yêu cầu EUDR sẽ đẩy nhanh quá trình truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam thông tin, đến tháng 12/2024, EU mới bắt đầu áp dụng quy định, nghĩa vụ cho các doanh nghiệp lớn để thực hiện tuân thủ EUDR. Nội dung chính liên quan đến hệ thống thẩm định, yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp xuất nhập khẩu, không chỉ riêng gỗ, phải không liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng mới được nhập khẩu vào EU.

>>Gỗ Trường Thành (TTF): Lỗ lũy kế vượt 3.100 tỷ đồng

Nhiều thách thức cho phát triển ngành gỗ Việt Nam

Một đại gia ngành gỗ bị "gõ đầu" do nợ thuế

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nganh-go-chat-vat-tim-co-hoi-phat-trien-ben-vung-216645.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngành gỗ “chật vật” tìm cơ hội phát triển bền vững
    POWERED BY ONECMS & INTECH