Theo Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng tạo nên nguồn cầu dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu.
Nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng tạo nên nguồn cầu dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu. Dự kiến hết năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng trên 660 tỷ USD, đây là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Kết quả khả quan đạt được của nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng tạo động lực kích cầu cho ngành logistics Việt Nam trong năm 2021, vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao nhờ tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, cải tiến quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics cung cấp dịch vụ cho thị trường Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Theo Báo cáo logistic Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4.61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhận định, dù doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 95% nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn.
Tỷ lệ số doanh nghiệp lĩnh vực vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới so với tổng số doanh nghiệp cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4.08%, với số vốn chiếm 1.88% và số lao động chiếm 3.04%. Điều này cho thấy, quy mô vốn của các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế.
Trong 9 tháng năm 2021, có 2.509 doanh nghiệp vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14.1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 5.56% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động của cả nước. Đồng thời, có 571 số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17.7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 4.46% tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước. Hiện các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp logistic Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp cảng biển đã có nhiều nỗ lực để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2021 nhiều doanh nghiệp ngành logistics tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, hầu hết có mức tăng 2 con số. Minh chứng rõ nhất là do kinh tế trong nước dần phục hồi trở lại dẫn đến hoạt động vận tải đường biển và thủy nội địa 10 tháng 2021 ghi nhận hồi phục so với cùng kỳ 2020.
Cụ thể, khối lượng hàng hóa vận tải đường biển và thủy nội địa 10 tháng 2021 ước đạt lần lược 68.1 triệu tấn, tăng 2.9% so với cùng kỳ và 265 triệu tấn giảm 3.2% so với cùng kỳ, cải thiện đáng kể so với mức giảm 4.2% và 11.6% trong 10 tháng năm 2020.
Đáng chú ý, tổng trọng tải tàu biển tăng mạnh 22% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam hồi phục. GDP các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 và 2023.
Hoạt động ở các cảng biển lớn trên thế giới bên cạnh việc ghi nhận mức tăng trưởng cao cũng xảy ra tình trạng ùn ứ do các biện pháp phòng dịch làm tăng thời gian thông quan. Do đó, hoạt động vận tải biển trên toàn thế giới có nguy cơ bị xáo trộn và kém hiệu quả nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn. Điều này ảnh hưởng xấu đến các tuyến hàng hải đến Việt Nam cũng như hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần chú trọng tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như 3PL (Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng) và 4PL (Cung cấp dịch vụ logistics thứ tư hay logistics chuỗi phân phối, hay nhà cung cấp logistics chủ đạo), dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới.
Ngoài ra, để có được những doanh nghiệp logistics mạnh, ngoài việc chú trọng vào việc cung cấp vụ logistics với chất lượng và tiêu chuẩn cao nhất, các doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống có thể thích ứng linh hoạt với những biến động thị trường. Đặc biệt, cần đề cao quá trình chuyển đổi số trong quản lý logistics thông qua những ứng dụng cảng điện tử, giám sát tự động ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động hỗ trợ và chăm sóc khách hàng, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
'Chốt' chủ đầu tư dự án khu dịch vụ logistics và kho bãi container hơn 340 tỷ đồng tại Hải Phòng
'Ông lớn' cảng biển Gemadept (GMD) hưởng lợi ra sao từ chiến thắng của ông Donald Trump?