Đồng USD là trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu, do đó, nhiều loại tài sản sẽ được hưởng lợi nếu đồng bạc xanh tiếp tục giảm giá.
Theo Reuters, lạm phát tại Mỹ "hạ nhiệt" đang đẩy nhanh đà giảm giá của đồng USD và các tài sản rủi ro trên khắp thế giới sẽ được hưởng lợi.
Cụ thể, kể từ thời điểm ghi nhận mức cao kỷ lục trong 2 thập kỷ hồi năm ngoái, đồng USD đã giảm gần 13% so với rổ tiền tệ và hiện đang ở mức thấp nhất trong 15 tháng.
Điều này diễn ra sau khi các số liệu mới công bố cho thấy, lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt và có thể dẫn tới khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đồng USD là trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu, do đó, nhiều loại tài sản sẽ được hưởng lợi nếu đồng bạc xanh tiếp tục giảm giá.
Mỹ hưởng lợi
Sự suy yếu của đồng USD có thể sẽ đem lại lợi ích đối với một số công ty Mỹ, vì khi đồng tiền giảm giá, hàng xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Qua đó, giúp các công ty đa quốc gia quy đổi lợi nhuận nước ngoài về USD với chi phí rẻ hơn.
Nguyên liệu thô (được định giá bằng USD) cũng trở nên hợp lý hơn với người mua nước ngoài khi đồng tiền này giảm giá. Chỉ số Hàng hóa S&P/Goldman Sachs (.SPGSCI) tăng 4,6% trong tháng này, với tốc độ tăng trưởng là tháng tốt nhất kể từ tháng 10/2022, theo Reuters.
Đồng bạc xanh giảm giá khiến các khoản nợ bằng USD trở nên dễ thanh toán hơn, qua đó mang lại lợi ích cho các thị trường mới nổi. Chỉ số tiền tệ của thị trường mới nổi quốc tế MSCI (.MIEM00000CUS) đã tăng 2,4% từ đầu năm đến nay.
Tất nhiên, việc đồng tiền này suy giảm cũng có rủi ro riêng. Một là khả năng lạm phát của Hoa Kỳ có thể tăng trở lợi, khiến Fed hiếu chiến hơn trong việc tăng lãi suất và làm giảm số giao dịch liên quan tới việc "ăn chênh" từ USD, đồng thời kìm hãm đà giảm của USD.
Tuy nhiên, Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex USA, tin rằng Fed sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trước hầu hết các ngân hàng trung ương khác, làm giảm đà tăng trưởng dài hạn của đồng bạc xanh.
"Trong 6 tháng tới, có khả năng đồng USD sẽ còn yếu hơn so với hiện nay", bà Given nhận đinh.
"Giải thoát" cho các quốc gia khác
Sự sụt giảm của đồng USD xảy ra khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trong những ngày gần đây, làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD trong khi thúc đẩy nhiều loại tiền tệ khác, từ đồng yên Nhật đến đồng peso của Mexico.
Do vậy, việc đồng tiền này tiếp tục giảm có thể tăng lợi nhuận cho các chiến lược ngoại hối, chẳng hạn như giao dịch thực hiện bằng USD, liên quan đến việc bán USD để mua một loại tiền tệ có năng suất cao hơn, cho phép nhà đầu tư bỏ túi phần chênh lệch.
Lợi nhuận giao dịch chênh lệch hàng năm đối với một số loại tiền tệ. |
Reuters dẫn ra một ví dụ cụ thể: một nhà đầu tư bán USD và mua đồng peso Colombia sẽ lời khoảng 25% từ đầu năm đến nay, trong khi đồng zloty của Ba Lan mang lại 13% lợi nhuận.
Trong thế giới của chính sách tiền tệ, sự suy giảm của đồng USD có thể là một sự "giải thoát" cho một số quốc gia, bởi điều này khiến tốc độ mất giá đồng tiền của các nước khác chậm lại.
Nhật Bản là một ví dụ. Đồng USD giảm 3% so với đồng yen trong tuần này và dự kiến sẽ có mức giảm hàng tuần lớn nhất so với đồng tiền Nhật Bản kể từ tháng 1.
Trước đó, việc đồng yen yếu đã trở thành vấn đề đối với nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu của Nhật Bản và làm dấy lên kỳ vọng Nhật Bản sẽ lại can thiệp vào các thị trường để hỗ trợ đồng tiền của mình sau lần đầu tiên kể từ năm 1998.