Thế giới

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khoe kỷ lục thặng dư thương mại hơn 112.000 tỷ đồng, thâm hụt với Trung Quốc tăng gấp đôi

Đăng Đức 04/07/2025 - 19:04

Đất nước đông dân thứ tư thế giới tiếp tục chuỗi 61 tháng thặng dư thương mại, nhưng thâm hụt với Trung Quốc bất ngờ tăng “chóng mặt”.

Hôm thứ Ba (1/7), Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thông báo đã đạt thặng dư thương mại 4,3 tỷ USD (112.359 tỷ đồng) trong tháng 5/2025, tiếp tục chuỗi 61 tháng thặng dư liên tiếp kể từ tháng 5/2020.

Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), thặng dư thương mại hàng tháng của nước này đã trở lại mức hàng tỷ USD sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục chỉ còn 160 triệu USD trong tháng 4. Con số mới nhất cho thấy mức tăng trưởng mạnh so với thặng dư 2,94 tỷ USD của tháng 5/2024.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khoe kỷ lục thặng dư thương mại hơn 112.000 tỷ đồng, thâm hụt với Trung Quốc tăng gấp đôi - ảnh 1
Các container chở hàng thủy sản xuất khẩu tại Cảng mới Kendari, tỉnh Đông Nam Sulawesi, Indonesia ngày 24/6/2025 - Ảnh: Antara/Andry Denisah

>> Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á đánh giá lại siêu dự án nhà máy lọc dầu 24 tỷ USD hợp tác với Nga

Thặng dư thương mại là khái niệm chỉ tình trạng xuất khẩu của một quốc gia cao hơn nhập khẩu trong cùng một khoảng thời gian.

Nói đơn giản, nếu giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu lớn hơn giá trị hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu thì đó là thặng dư thương mại. Ngược lại, nếu tình trạng nhập khẩu của một quốc gia nhiều hơn xuất khẩu trong cùng một khoảng thời gian thì đó thâm hụt thương mại.

“Tất cả là nhờ vào thặng dư tích cực trong lĩnh vực thương mại phi dầu khí, chủ yếu được thúc đẩy bởi các mặt hàng chất béo và dầu có nguồn gốc thực vật/động vật, nhiên liệu khoáng sản cũng như sắt và thép”, bà Pudji Ismartini, Phó Cục trưởng BPS cho biết tại buổi họp báo kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

>> Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á bất ngờ hoãn áp thuế đồ uống có đường, tham vọng đạt doanh thu gần 6.100 tỷ đồng ‘đổ sông đổ bể’?

Dầu cọ thô – sản phẩm mà Indonesia là nhà cung cấp lớn nhất thế giới nằm trong nhóm dầu thực vật. Theo báo cáo của BPS, quốc gia có đến hơn 17.000 hòn đảo này đã đạt thặng dư thương mại 5,83 tỷ USD trong lĩnh vực phi dầu khí trong tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, Indonesia lại ghi nhận thâm hụt 1,53 tỷ USD trong thương mại dầu khí trong cùng kỳ, chủ yếu do nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm liên quan.

Riêng trong tháng 5/2025, kim ngạch xuất khẩu của “xứ sở vạn đảo” đạt 24,61 tỷ USD, tăng 9,68% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu cũng tăng 4,14% so với cùng kỳ, đạt 20,31 tỷ USD, theo số liệu của BPS.

“Tổng thặng dư thương mại từ đầu năm đến hết tháng 5 đã đạt 15,38 tỷ USD, tăng 2,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2024”, bà Pudji cho biết thêm.

Cơ quan thống kê cũng tiết lộ Mỹ vẫn là quốc gia đóng góp lớn nhất cho thặng dư thương mại của Indonesia, với giá trị lên tới 7,08 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm; tiếp theo là Ấn Độ (5,3 tỷ USD) và Philippines - một thành viên ASEAN khác với mức 3,69 tỷ USD.

Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Indonesia với Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm gần như tăng gấp đôi, từ 4,47 tỷ USD lên 8,15 tỷ USD.

Điều này có thể do một số nguyên nhân chính như sau:

1. Indonesia gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc

Những hàng hóa “Made in China” này bao gồm: máy móc, thiết bị điện tử, nguyên vật liệu cho các nhà máy, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện, năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng.

Trung Quốc là đối tác cung cấp phần lớn các thiết bị công nghệ, nguyên liệu giá rẻ mà Indonesia chưa tự sản xuất được.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khoe kỷ lục thặng dư thương mại hơn 112.000 tỷ đồng, thâm hụt với Trung Quốc tăng gấp đôi - ảnh 2
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto bắt tay nhau tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 1/4/2024 - Ảnh: China Daily/Reuters

2. Xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc chững lại hoặc giảm

Một số mặt hàng chủ lực của Indonesia như dầu cọ thô, than đá, quặng khoáng sản có thể gặp khó khăn do giá giảm hoặc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu.

Trung Quốc đang đẩy mạnh tự chủ sản xuất hoặc tìm nguồn cung thay thế từ quốc gia khác.

>> Nhập hơn 20.000 con gia súc sau khi bất ngờ ngừng nhập khẩu gạo Việt, tuyên bố tự cung tự cấp, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á toan tính gì?

3. Trung Quốc tăng xuất khẩu do năng lực sản xuất dư thừa

Trung Quốc đang dư thừa năng lực sản xuất nhiều ngành như thép, xi măng, vật liệu xây dựng, khiến lượng hàng hóa giá rẻ tràn vào Đông Nam Á, trong đó có Indonesia.

4. Tác động từ các dự án hợp tác quy mô lớn

Nhiều dự án lớn giữa hai nước như đầu tư nhà máy pin xe điện, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp… đòi hỏi Indonesia phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, máy móc từ Trung Quốc, làm gia tăng nhập khẩu.

5. Biến động tỷ giá hoặc chính sách thương mại

Nếu đồng Nhân dân tệ yếu đi so với đồng Rupiah, hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn, thúc đẩy Indonesia nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chính sách thuế hoặc ưu đãi thương mại cũng có thể tác động.

Tóm lại, thâm hụt thương mại tăng mạnh phản ánh Indonesia đang phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn hàng từ Trung Quốc, nhất là máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Đây vừa là cơ hội để nâng cấp công nghiệp, nhưng cũng đặt ra lo ngại về mất cân bằng thương mại và áp lực lên sản xuất trong nước với đất nước đông dân thứ tư thế giới (hơn 285 triệu dân).

>> Nga bắt tay nền kinh tế số 1 Đông Nam Á xây nhà máy quy mô ‘khủng’

Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á bắt tay Trung Quốc xây siêu nhà máy pin 6 tỷ USD

Chọn nhà thầu Trung Quốc, tuyến đường sắt cao tốc nối liền 2 nước Đông Nam Á vừa đạt cột mốc quan trọng, dự kiến phục vụ 10.000 khách/giờ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-khoe-ky-luc-thang-du-thuong-mai-hon-112000-ty-dong-tham-hut-voi-trung-quoc-tang-gap-doi-145891.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khoe kỷ lục thặng dư thương mại hơn 112.000 tỷ đồng, thâm hụt với Trung Quốc tăng gấp đôi
    POWERED BY ONECMS & INTECH