Song song với nhiều đóng góp giúp đẩy lùi dịch bệnh, ngành ngân hàng còn đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên để sớm vượt bão Covid-19.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, ngành ngân hàng đã nhiều lần họp bàn về các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Gần đây, vào ngày 9/7/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn.
Theo Phó Thống đốc, Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành Ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua.
NHNN đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát, kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho rằng, cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp vẫn tiếp tục và ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021 này vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, NHNN giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các TCTD để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này.
Hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, Ngân hàng (NH) TMCP Quốc Tế (mã chứng khoán: VIB) cho biết sẽ giảm lãi suất với hơn 8.500 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) mức trung bình 1,5 điểm % ngay từ tháng 7 này, tập trung vào nhóm khách hàng chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Dựa trên đánh giá tác động của dịch Covid-19, VIB sẽ giảm lãi suất cho khách hàng là DN thuộc ngành nghề ưu tiên của Chính phủ, DN vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân và DN trong các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng...
Tại NH TMCP Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: HDB), gần 18.000 khách hàng vay được giảm lãi suất với mức giảm bình quân từ 1 điểm %/năm. NH này cũng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất đến 4,5 điểm % so với lãi suất hiện hành cho khách hàng DN và cá nhân, không yêu cầu chứng minh thiệt hại do Covid-19.
Đồng thời, HDBank có gói tín dụng ưu đãi như cho vay sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng lãi suất từ 3%/năm, ân hạn vốn gốc 6 tháng để chia sẻ gánh nặng chi phí thuê mặt bằng đang gây khó khăn cho các hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ, giúp giảm áp lực trả nợ trong thời gian đầu.
Theo ghi nhận, trong đợt giảm lãi suất lần này, có NH đã giảm tới 3 điểm % so với lãi suất cho vay hiện hữu. Như tại NH TMCP Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB) vừa điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tới 3 điểm %/năm so với lãi suất hiện hành đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ người dân và DN trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khách hàng vay vốn phục vụ kinh doanh (hộ kinh doanh) sẽ được giảm tới 3 điểm %/năm và khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà giảm 1 điểm %/năm.
Với khách hàng DN, MSB cũng triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng hiện hữu và vay mới thuộc lĩnh vực kinh doanh, xuất - nhập khẩu, thương mại dược - y tế, xây dựng thuộc vốn ngân sách nhà nước... với mức lãi suất từ 5,5%/năm với VNĐ và từ 3%/năm với USD.
Từ nay đến cuối năm 2021, có hàng loạt NH thương mại công bố giảm lãi suất như Vietcombank (mã VCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID), Agribank, ACB, Sacombank (SCB), Bản Việt... Trong đó, có NH thương mại tự động giảm lãi suất đồng loạt từ 0,5 điểm % cho toàn bộ khách hàng cá nhân và DN.
Nhiều ngân hàng sở hữu Nhà nước cũng giảm lãi suất cho vay giai đoạn này. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất cho vay với tất cả khách hàng, mức giảm tối đa 1 điểm %. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất cho vay bình quân 1 điểm % với dư nợ hiện hữu, một số nhóm khách hàng khó khăn sẽ được giảm tối đa 2 điểm % so với lãi suất hiện hành. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng giảm lãi vay tối đa 1 điểm % cho các khoản dư nợ hiện hữu và giải ngân mới.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay với những khoản vay hiện hữu, nhiều ngân hàng áp dụng chính sách ưu đãi cho khoản vay mới. Đơn cử, VPBank sẽ giảm lãi suất cho vay với các khoản vay mới giải ngân từ 20/7-30/9/2021, thời hạn vay dưới 6 tháng, với doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mức lãi suất hỗ trợ là 1,0% đối với khoản vay tín chấp và 0,5% đối với khoản vay thế chấp. BIDV cũng dành 1.600 tỷ đồng cho vay ưu đãi với dư nợ cho vay mới. Sacombank dành 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Còn theo số liệu thống kê của NHNN, từ đầu năm 2021 đến nay có 19 tổ chức tín dụng đã công bố công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh.
Nhờ vậy, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các NH thương mại phổ biến từ 8%-10%/năm.
NHNN cho biết sẽ định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, trong đó ưu tiên những NH giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo ước tính, sẽ có hơn 8.500 khách hàng được giảm lãi suất là các doanh nghiệp thuộc ngành nghề ưu tiên của Chính phủ, DNN&V, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Bên cạnh sự cố gắng lớn của hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp cũng mong mỏi được các ngành khác tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa, giảm thuế, phí...
Nỗ lực hơn để không bị giảm lợi nhuận
Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, với việc đồng thuận giảm từ 0,5-3% lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng đã chia sẻ nguồn lợi nhuận của mình.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực tính toán sơ lược, nếu phải giảm 1 điểm % lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế, tức khoảng 9,6 triệu tỉ đồng, lợi nhuận của ngành NH có thể giảm khoảng 96.000 tỉ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020.
Để tạo thêm dư địa giúp các ngân hàng thương mại có động lực giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch, NHNN đã "thưởng room" tăng tín dụng cho những ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay hoặc chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới.
Vào ngày 15/7 vừa qua, NHNN đã có văn bản chấp thuận về việc nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho một số ngân hàng thương mại trong nước.
Theo đó, trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần này, NHNN chấp thuận cho một số ngân hàng được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 14-15%, thay vì mức cao nhất là 10-12% được cấp ban đầu.
Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) được chấp thuận điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 8,5% lên 12,1% cho cả năm nay. Còn MBBank cũng được đồng ý mức dư nợ tín dụng tối đa đến hết năm 2021 từ 10,5% lên 15%.