Vĩ mô

Ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua

Đỗ Hương 30/12/2023 - 00:03

Với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động và việc tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều bước tiến trong năm 2023. Giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua- Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc họp báo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 29/12, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo công bố kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ngành Nông nghiệp thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Tuy nhiên, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động và việc tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản (NLTS); chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết "Tam nông" và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững;... toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, một số tổ chức tài chính trên thế giới đưa ra dự báo giá lúa gạo sẽ vẫn ở mức độ cao trong năm 2024 và 2025. Tuy nhiên, khó có thể cao so với 2023, nhưng vẫn cao do nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi sản lượng gạo trên thế giới không tăng nhiều.

Về sản xuất lúa gạo ở Việt Nam trong năm 2024, theo ông Cường, cả nước sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha, trong đó đảm bảo sản lượng trên 43 triệu tấn. "Như vậy vấn đề an ninh lương thực hoàn toàn được đảm bảo trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào", ông Cường khẳng định và cho hay, vẫn đảm bảo được sản lượng xuất khẩu gạo 8 triệu tấn như 2023 .

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, xuất khẩu gạo cũng phải phụ thuộc vào thị trường thế giới và năng lực của các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo Việt Nam.

Đối với xuất khẩu rau quả, ông Cường cho biết, hiện nay sản xuất một số ngành hàng chủ lực cơ bản ổn định, tuy có bị ảnh hưởng của El Nino tại một số diện tích ở ĐBSCL và Tây Nguyên. Năm 2024 dự báo El Nino ở mức độ không gay gắt so với các năm trước, bởi vậy hoàn toàn có thể chủ động đảm bảo được kế hoạch sản xuất và xuất khẩu.

"Năm 2024 sầu riêng vẫn là trái cây chủ lực trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, tiếp đến là dừa, bưởi", ông Cường thông tin.

Ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sản lượng lúa năm nay đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%.

Ngành nông nghiệp tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; nhất là việc phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm, (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022). Nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023 cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó, có 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.

Năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm NLTS; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, Việt Nam trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy tại châu Á một mặt hàng thiết yếu ngành nông nghiệp

Sinh vật ngoại lai Trung Quốc tràn sang chợ Việt, hải sản ‘quý tộc’ giá siêu rẻ

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nganh-nong-nghiep-tang-truong-cao-nhat-trong-10-nam-qua-102231229192024679.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua
    POWERED BY ONECMS & INTECH