Ngành thép Trung Quốc dư thừa sản lượng khủng, nợ lên đến gần 700 tỷ USD
Ngành thép Trung Quốc đang đối mặt với áp lực khi sản lượng thép vẫn duy trì ở mức cao trong bối cảnh sức tiêu thụ nội địa giảm sút và lợi nhuận sụt giảm sau giai đoạn đỉnh điểm.
Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng bùng nổ nhờ sự bùng nổ xây dựng và đầu tư nhà nước, các động lực mới của nền kinh tế Trung Quốc không còn đủ để thay thế vai trò quan trọng trước đây của ngành thép. Hiện nay, Bắc Kinh đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tiêu dùng xanh và phát triển công nghệ cao, điều này đã làm giảm tầm quan trọng của thép trong nền kinh tế.
Sản lượng thép của Trung Quốc năm 2024 tuy giảm nhẹ nhưng vẫn vượt mức 1 tỷ tấn năm thứ năm liên tiếp. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thép được dự báo sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng để ứng phó với nhu cầu nội địa suy giảm, do thị trường bất động sản yếu kém và tăng trưởng kinh tế chững lại.
Theo hãng nghiên cứu Mysteel, sản lượng thép của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 900 triệu tấn vào năm 2030. Một số chuyên gia còn dự báo con số này có thể xuống dưới 800 triệu tấn, thậm chí ở mức 525 triệu tấn trong trường hợp xấu nhất.
Những dự báo này đã buộc ngành thép phải đẩy mạnh các nỗ lực cắt giảm chi phí và cải thiện hiệu quả sản xuất. Dù vậy, tình hình tài chính của ngành tiếp tục ảm đạm. Báo cáo của Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, ngành thép Trung Quốc đã thua lỗ trong phần lớn năm 2023. Tổng nợ của ngành đạt mức kỷ lục 5,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (696 tỷ USD) vào tháng 11 năm ngoái.
Trong quý III/2024, báo cáo tài chính từ 59 nhà máy thép niêm yết tại Trung Quốc cho thấy dòng tiền tự do chạm mức thấp nhất kể từ năm 2015, trong khi tỷ lệ nợ trên tài sản đạt mức cao nhất kể từ năm 2017.
Các nhà máy thép tư nhân nhỏ, vốn tập trung sản xuất thép xây dựng và phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, đang chịu tác động nặng nề nhất. Thị trường bất động sản suy thoái kéo dài khiến những doanh nghiệp này ngày càng khó duy trì hoạt động ổn định.
Theo Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis, dù vai trò của ngành thép trong nền kinh tế Trung Quốc giảm dần qua các năm, ngành này vẫn đóng góp 5,7% GDP cả nước vào năm 2023. Đây là con số quan trọng, đặc biệt với các mục tiêu tăng trưởng của những địa phương phụ thuộc vào sản xuất thép, điển hình là tỉnh Hà Bắc – trung tâm sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngành thép tại Hà Bắc đang đối mặt với sức ép lớn. Đường Sơn, thành phố chiếm một nửa GDP từ sản xuất thép, đã ghi nhận khoản lỗ 3,1 tỷ Nhân dân tệ trong 10 tháng đầu năm ngoái, trở thành một trong những ngành ảm đạm nhất. Những khó khăn của ngành thép đang đẩy nhiều khu vực phụ thuộc vào sản xuất thép như Hà Bắc vào tình trạng căng thẳng đáng kể, đặt ra thách thức lớn cho các kế hoạch kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu – một động lực chính trong năm trước – cũng đang suy giảm do các quốc gia tăng cường biện pháp chống bán phá giá và áp đặt thuế quan đối với thép Trung Quốc. Xu hướng này tiếp tục hạn chế khả năng phục hồi của ngành, ngay cả khi nhu cầu từ các nhà máy sản xuất và hãng ô tô phần nào bù đắp cho sự sụt giảm từ thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, nhu cầu từ các lĩnh vực này vẫn chưa đủ mạnh để bù đắp hoàn toàn. Chỉ khi thị trường bất động sản – lĩnh vực tiêu thụ thép lớn nhất – phục hồi ổn định, sản lượng và nhu cầu thép mới có thể cải thiện đáng kể.
Theo báo cáo của MEPS International, mức tiêu thụ thép tại Trung Quốc dự kiến giảm thêm 1% vào năm 2025, chỉ còn 860,1 triệu tấn. Điều này buộc các nhà máy thép Trung Quốc phải tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, đồng thời tạo áp lực giảm giá thép trên thị trường quốc tế. Trong chín tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thép Trung Quốc tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 80,7 triệu tấn.
Những nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ Trung Quốc đã phần nào tác động đến thị trường thép trong nước. Dữ liệu từ MEPS cho thấy, giá thép tại Trung Quốc giảm mạnh trong những tháng đầu năm nhưng đã phục hồi vào tháng 10 nhờ các biện pháp kích thích mới được công bố ngay trước kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng (1-7 tháng 10).
Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường tại châu Á tỏ ra thận trọng về tính bền vững của đợt phục hồi này. Các biện pháp mới chủ yếu tập trung vào việc cải thiện lĩnh vực bất động sản, nhưng niềm tin rằng thị trường sẽ có sự chuyển biến tích cực dài hạn vẫn còn hạn chế.
Trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy giảm, việc đẩy mạnh xuất khẩu được xem là chiến lược trọng tâm của ngành thép Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh ở các thị trường nước ngoài, đặc biệt khi các nước áp dụng thêm các biện pháp bảo hộ như thuế quan và chống bán phá giá.
Theo Mysteel, MEPS, SCMP
>> Suy thoái ngành thép Trung Quốc làm chao đảo cả nền kinh tế thế giới