Tập đoàn bất động sản số 2 Trung Quốc rơi vào tình trạng báo động, chính quyền họp khẩn tìm cách giải cứu
Chính quyền Thâm Quyến đã tổ chức một cuộc họp kín để thảo luận về China Vanke.
Giới chức Trung Quốc đang thực hiện các bước để ổn định hoạt động của Tập đoàn China Vanke sau khi công ty này đối mặt với áp lực thanh khoản ngày càng gia tăng. Đồng thời, những câu hỏi xoay quanh tung tích của Giám đốc điều hành đã gây ra sự xáo trộn cho cổ phiếu và trái phiếu của công ty trong tuần trước, theo những nguồn tin thân cận cho hay.
Theo nguồn tin thân cận, chính quyền thành phố Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở của Vanke, đã tổ chức cuộc họp kín vào cuối tuần trước để thảo luận về tình hình công ty.
Trong cuộc họp, chính quyền Thâm Quyến đã công bố kế hoạch đảm bảo ổn định hoạt động của Vanke, bao gồm việc bổ nhiệm kiểm toán viên và cố vấn tài chính mới để đánh giá tình hình tài chính và các dự án bất động sản. Tuy nhiên, các thảo luận này vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ và có thể thay đổi, trong khi Bắc Kinh chưa đưa ra lập trường chính thức.
Hôm 16/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến đã đình chỉ giao dịch đối với một số trái phiếu của Vanke sau khi giá của chúng giảm hơn 20%. Các trái phiếu này bao gồm loại 3,45% đáo hạn tháng 10/2027, 3,64% đáo hạn tháng 3/2027 và 3,21% đáo hạn tháng 7/2027. Trái phiếu USD của công ty cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.
Các cơ quan quản lý tài chính và chính quyền Thâm Quyến trước đây đã tham gia điều phối việc gia hạn tài chính cho Vanke. Là một thương hiệu nổi tiếng tại Trung Quốc, Vanke từng được coi là "miễn nhiễm" với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhờ mối liên kết chặt chẽ với Chính phủ.
Công ty đã trở thành tâm điểm chú ý từ đầu năm nay khi phải đối mặt với áp lực trả nợ lớn, trong bối cảnh doanh số bán nhà giảm sút và thua lỗ ngày càng gia tăng do thị trường bất động sản chững lại chưa từng có.
Tình hình càng trở nên phức tạp khi có thông tin về việc Giám đốc điều hành Zhu Jiusheng "mất tích". Economic Observer đưa tin ông bị cảnh sát bắt và chính quyền Thâm Quyến đã cử nhóm can thiệp vào Vanke. Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã bị gỡ bỏ khi có báo cáo cho rằng Zhu đã liên lạc được.
Các nguồn tin thân cận không có thêm thông tin về tình trạng hiện tại của Zhu. Vanke và chính quyền thành phố Thâm Quyến không ngay lập tức phản hồi yêu cầu bình luận.
Thanh khoản của Vanke có thể đến điểm gãy vào năm 2025 nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước. Mức độ bao phủ nợ ngắn hạn của công ty chỉ đạt 65% và có xu hướng giảm tiếp. Điều đáng lo ngại là Shenzhen Metro Group, đối tác lớn nhất của Vanke, cũng đang gặp khó khăn về thanh khoản.
China Vanke đang gặp khó khăn với khoản nợ 4,9 tỷ USD đáo hạn trong năm 2025. Đây là số tiền nợ phải trả hàng năm cao nhất từ trước đến nay và cũng là lớn nhất đối với bất kỳ nhà phát triển Trung Quốc nào trong năm nay. Đầu tháng 1, Vanke tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để xử lý các nghĩa vụ nợ công.
“Vanke là một thương hiệu lớn tại Trung Quốc”, Raymond Cheng, Trưởng nhóm nghiên cứu bất động sản Trung Quốc tại CGS International Securities Hong Kong, nhận định. “Nếu Chính phủ cứu trợ Vanke, tình hình có thể không quá tồi tệ”.
Theo Yahoo Finance
>> Việt Nam phạt vi phạm nồng độ cồn cao nhất 40 triệu, nước láng giềng phạt bao nhiêu?
‘Bẫy phạt nguội’ buộc tài xế 'lượn như rắn', gây tranh cãi nảy lửa ở Trung Quốc
Hàng loạt công ty Trung Quốc rót vốn vào nước cạnh Việt Nam, lý do là gì?