Ngành thuỷ sản "lội ngược dòng" ngoạn mục

03-01-2022 17:03|Thu Thảo

Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng ấn tượng vào những tháng cuối năm 2021 được kỳ vọng sẽ tạo đà tiếp tục phục hồi tốt hơn trong năm 2022.

Vượt bão COVID-19, tăng trưởng dương

Trong năm 2021, ngành thuỷ sản đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 4 khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Đặc biệt trong quý III, nhiều nhà máy phải hoạt động "3 tại chỗ" khiến chi phí bị đội lên. Đồng thời các quy định kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương phía Nam không thống nhất gây nên gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Do đó, có thời điểm công suất chế biến thủy sản ở các nhà máy phía Nam giảm tới 70%. Bên cạnh đó, nhiều vùng nguyên liệu thủy sản, đặc biệt là cá tra không thể tiêu thụ, dẫn đến tình trạng cá quá lứa dưới ao nhiều và thời gian thu hoạch bị trễ.

Tuy nhiên, sau những ngày gần như phải đóng cửa hoàn toàn vì dịch bệnh, các tháng cuối năm sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đã tăng tốc trở lại theo trạng thái bình thường mới.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt 875 triệu USD, tăng 18% so với tháng trước đó. Trong tháng 12/2021, xuất khẩu thủy sản vẫn duy trì mức 800 triệu USD, đưa kim ngạch cả năm đạt trên 8,8 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2020.

Các thống kê của VASEP cũng cho thấy, trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, tôm và cá tra dù tập trung nhiều tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi vẫn đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh song tính chung cả năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng dương, lần lượt 3% và 2,5% so với năm 2020.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với gần 1,87 tỷ USD, tăng 26% trong 11 tháng năm 2021. Cùng với Mỹ, xuất khẩu sang EU cũng đang hồi phục tích cực với mức tăng 10%, đạt 957 triệu USD, sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2,7%, đạt 717 triệu USD.

Vẫn còn những thách thức

Mặc dù kết quả năm 2021 tương đối khả quan song theo ông Trương Đình Hòe, chặng đường năm 2022 vẫn rất khó đoán định. Điều này xuất phát từ việc tình hình dịch bệnh tại các tỉnh miền Tây - thủ phủ của ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp, dẫn đến các kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp bị đảo lộn. Tình hình này sẽ còn kéo dài sang những quý đầu năm 2022, vì vậy các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục thực hiện các phương án vừa phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất nhằm phục hồi xuất khẩu.

Theo các doanh nghiệp thủy sản, cái khó của ngành này trong năm 2022 là vấn đề nguyên liệu, giá cước vận chuyển, giá thành sản xuất, thiếu công nhân do liên tục xuất hiện F0 trong các nhà máy... Ông Huỳnh Văn Tấn - Tổng giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Cà Mau (Camimex Group) - cho biết, tín hiệu thị trường trong năm 2022 rất triển vọng. Tuy vậy, do thời gian dài của năm 2021 sản xuất ngưng trệ đã khiến quá trình thu mua nguyên liệu cho nông dân bị chậm trễ, ảnh hưởng tới việc tái vùng nguyên liệu cho năm 2022.

Để giúp ngành thủy sản có thể phục hồi trở lại, ông Trương Đình Hòe cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong việc kiểm soát chi phí đầu vào, giá thành sao cho phù hợp, giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ.

Đã đến lúc ngành thủy sản cần thay đổi về phương thức sản xuất theo quy trình khép kín và kiểm soát chặt chẽ hơn các công đoạn nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, hạn chế những nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài.

Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký VASEP

Tập đoàn thủy sản hàng đầu Nhật Bản đầu tư 13 triệu USD xây nhà máy chế biến ở Việt Nam

Cảnh báo 'thẻ vàng IUU' - Cú sốc lớn với ngành thủy sản Việt Nam

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nganh-thuy-san-loi-nguoc-dong-ngoan-muc-130901.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngành thuỷ sản "lội ngược dòng" ngoạn mục
    POWERED BY ONECMS & INTECH