Ngành tôm những tháng cuối năm 2024: Thực phẩm Sao Ta (FMC) hưởng lợi từ thị trường Mỹ và Anh
VDSC đánh giá thị trường Anh và Mỹ sẽ là động lực tăng trưởng của Thực phẩm Sao Ta (FMC) trong giai đoạn còn lại của năm 2024.
Trong tháng 8/2024, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 358 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 267 triệu USD (tăng 7% so với cùng kỳ), tôm sú đạt 42 triệu USD (giảm 5%), các loại tôm khác (chủ yếu là tôm hùm) đạt 48 triệu USD (tăng 25%).
Trong những tháng còn lại của năm 2024, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - mã chứng khoán VDS) dự báo ngành tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào sản lượng.
Theo VDSC, giá bán tôm sẽ phục hồi nhẹ nhờ vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và nhu cầu tăng trong mùa lễ hội. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu tôm lớn như Ecuador và Indonesia vẫn khiến giá bán khó có thể tăng cao.
Giá trị xuất khẩu tôm thẻ. Nguồn: VDSC |
Tại thị trường Mỹ, Việt Nam đang hưởng lợi từ việc Ecuador và Indonesia bị giảm thị phần do các vấn đề về thuế. Ecuador phải đặt cọc 10,58% tiền mặt và Indonesia chịu mức thuế chống bán phá giá 6,3% khi xuất khẩu vào Mỹ, trong khi 31 doanh nghiệp Việt Nam không bị áp thuế này.
Tuy nhiên, để cạnh tranh với các đối thủ lớn, doanh nghiệp Việt vẫn phải duy trì mức giá bán thấp. Mặc dù giá tôm nguyên liệu Việt Nam tại Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã giảm 19% so với cùng kỳ, nhưng vẫn cao hơn so với Ecuador và Indonesia lần lượt 40% và 26%.
Tại Nhật Bản, dù tỷ giá JPY/VND đã tăng trở lại do chính sách tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nhưng thị trường này vẫn cần thời gian để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, trong ngắn hạn, khả năng thỏa hiệp về tăng giá bán sẽ gặp khó khăn, nhưng giá tôm quy đổi theo JPY tại Nhật giảm sẽ là cú hích để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cũng như duy trì đà tăng trưởng giá trị xuất khẩu.
Tại thị trường Anh, giá trị xuất khẩu tôm được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào sự phục hồi của giá bán và sản lượng tăng trưởng ổn định trong hai tháng gần đây. Việc Ngân hàng Trung ương Anh giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào đầu tháng 8 cũng được xem là cú hích quan trọng để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ trong những tháng cuối năm.
Tại Việt Nam, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xuất khẩu tôm. VDSC nhận định mặc dù thị trường chính của thực phẩm Sao Ta là Nhật Bản (chiếm 34% tổng giá trị xuất khẩu) có tín hiệu chậm lại, nhưng sự tăng trưởng tại thị trường Mỹ và Anh (chiếm tổng 40% doanh thu của FMC) sẽ giúp tổng sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp được cải thiện.
>> Nam Việt (ANV) sắp trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn
Nam Việt (ANV) sắp trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn
Chục nghìn tỷ mất trắng: Xót lắm nhưng phải làm lại ngay thôi!