Đoàn kiểm tra của EU sắp thanh tra tại Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng và 90% thương mại cá tra toàn cầu.
Theo thông tin công bố, đoàn kiểm tra của Liên minh châu Âu (EU) sắp tới sẽ đến Việt Nam để tiến hành thanh tra trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu của đoàn là đánh giá chương trình kiểm soát dư lượng trong các sản phẩm được phép xuất khẩu sang thị trường EU và thẩm tra mức độ tin cậy về việc đảm bảo thủy sản nuôi không chứa dư lượng theo quy định.
Theo Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng và 90% thương mại cá tra toàn cầu. Đối với xuất khẩu tôm, Việt Nam đứng thứ hai thế giới, chiếm từ 13% đến 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu.
Năm 2023, Việt Nam đã đón đoàn thanh tra Hoa Kỳ (FSIS) và năm nay sẽ chuẩn bị đón đoàn thanh tra EU (DG SANTE) trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tiếp theo là đoàn của EC trong lĩnh vực khai thác thủy sản.
Theo Cục Thủy sản, để duy trì vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đảm bảo hoạt động xuất khẩu, việc chuẩn bị đón tiếp các đoàn thanh tra này là rất quan trọng. Điều này giúp khẳng định tính tương đương trong hệ thống quản lý của cơ quan thẩm quyền, cũng như năng lực thực thi của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, chế biến.
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới |
>> 'Nữ hoàng cá tra' Vĩnh Hoàn (VHC) thu về 1.100 tỷ đồng trong tháng 7, thị trường Mỹ tăng 92%
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm thuộc Cục Thủy sản, cho biết các thị trường như Hoa Kỳ và EU đều rất khó tính, với những yêu cầu khắt khe về kiểm soát dư lượng thuốc, hóa chất, nguồn gốc sản phẩm và tính bền vững. Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang hai thị trường này đạt 1,27 tỷ USD. Đây là những thị trường quan trọng, góp phần khẳng định uy tín và chất lượng của thủy sản Việt Nam.
Bà Tâm cũng cho biết, dự kiến đoàn thanh tra EU trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ làm việc từ ngày 24/9 đến 17/10, để kiểm tra chương trình kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này.
Đồng thời đoàn cũng sẽ thẩm tra độ tin cậy về việc đảm bảo thủy sản nuôi không chứa dư lượng theo quy định của EU. Nếu kết quả của đoàn thanh tra không đạt như mong muốn sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác. Vì vậy, các địa phương cần nắm rõ các quy định về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và một số quốc gia nhập khẩu.
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, trong khi cá tra đạt 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên theo nhiều dự báo, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như giá vật tư đầu vào cao, giá bán thủy sản nguyên liệu thấp, thậm chí có thời điểm giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, cước vận tải tàu biển tăng khiến lợi nhuận của toàn chuỗi từ nuôi đến chế biến, xuất khẩu thủy sản khó được như kỳ vọng.
>> EU tiến hành thanh tra đối với ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam bứt phá trong tháng 8, tăng trưởng gần 20%
Lãi tăng vọt 58%, một doanh nghiệp thủy sản trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%