Dự án trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập với tổng diện tích nhu cầu sử dụng lên tới 283 ha, quy mô 2.400MW được đầu tư theo 2 giai đoạn đưa vào quy hoạch từ năm 2009 nhưng nay đã chính thức bị tuýt còi.
Được biết, sau khi dự án tỷ đô này được chấp thuận triển khai quy hoạch xây dựng tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An đã gặp nhiều “tai tiếng” liên quan đến chậm tiến độ, còn người dân vùng bị ảnh hưởng phải sống trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan” suốt hơn 10 năm qua chưa thể tìm ra lối thoát.
Dự án “chết lâm sàng” suốt thời gian dài
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vào ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có tính đến năm 2030 thì dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 sẽ vận hành vào năm 2022.
Trước đó, vào ngày 20/3/2009, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt quy hoạch địa điểm tại Quyết định số 1359/QĐ-BCT về việc xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập với tổng diện tích quy hoạch 283 ha, quy mô 2.400MW được đầu tư theo 2 giai đoạn: Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 2.
Riêng dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 tổng mức vốn đăng ký khoảng gần 2,2 tỷ USD, công suất 1.200MW đã được Chính phủ giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án cũng được Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 143,54 ha.
Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, khi dự án nói trên được khai sinh, hàng trăm hộ dân ở các xóm Đồng Minh, Đồng Thanh và Tân Minh thuộc xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai được chính quyền địa phương yêu cầu phải “án binh bất động” trong quy hoạch xây dựng, chuyển nhượng nhà ở…để chờ thông báo phương án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, suốt thời gian dài, hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh “dài cổ” chờ cơ quan chức năng đến làm việc, chốt phương án di dời. Và, viễn cảnh đặt ra mà người dân được nhìn thấy trên pano, biển hiệu được dựng ngay chính mảnh đất của mình từng canh tác bao đời qua vẫn chẳng thấy trở thành hiện thực.
Trong khi đó, để tạo mặt bằng cho Tập đoàn TKV vào triển khai xây dựng dự án, tỉnh Nghệ An cũng đã tiến hành quy hoạch 02 vùng tái định cư với tổng diện tích gần 90ha cho người dân bị ảnh hưởng nhưng số phận của dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy tờ văn bản.
Đến tháng 11/2020, tại cuộc họp BTV Tỉnh uỷ, người đừng dầu UBND tỉnh Nghệ An đã nêu ý kiến đề xuất phát văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện dự án Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập (bao gồm nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhiệt điện Quỳnh Lập 2) và đưa ra khỏi dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Chính thức “khai tử” dự án tỷ đô
Theo Quyết định số số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quỳnh Lập 2 chính thức bị loại khỏi danh sách.
Nguyên nhân được biết đối với nhiệt điện than, quy hoạch xác định chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030 có nội dung không triển khai 13.220MW nhiệt điện than. Quyết định 500 cũng nêu rõ định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp.
Cùng với số phận như dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quỳnh Lập 2 thì cả nước sẽ có các dự án Quảng Ninh III, Cẩm Phả III, Hải Phòng III, Vũng Áng III, Quảng Trạch II, Long Phú II, III, Tân Phước I, II cũng chính thức bị “khai tử”.
Mặt khác, tại danh mục và tiến độ các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện sẽ xem xét trong kế hoạch thực hiện quy hoạch các vị trí tiềm năng tại khu vực Quỳnh Lập - Nghệ An, Nghi Sơn - Thanh Hóa để xây dựng Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn trong giai đoạn 2021 - 2030 với công suất 1.500MW.
Như vậy, Quy hoạch điện VIII cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Cùng với đó, Quy hoạch điện VIII cũng đặt mục tiêu kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050 và hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030. Nội dung liên quan đến việc xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn cũng được nêu rõ trong Quy hoạch điện VIII trong tương lai.
Trước đó, khi được đề nghị góp ý để xây dựng Quy hoạch điện VIII, tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị cho phép địa phương triển khai 2 dự án điện mặt trời Hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ vào thời gian tới. Cùng với đề xuất 07 dự án điện năng lượng mặt trời, cụm điện gió Hoàng Mai, Nam Đàn cũng được tỉnh Nghệ An kiến nghị đưa vào quy hoạch xây dựng trong tương lai.
Thủ tướng chủ trì hội nghị về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo
Phó Thủ tướng: Không để xảy ra tiêu cực trong điều chỉnh quy hoạch điện VIII