Nhiều tồn tại, vướng mắc…kéo dài suốt nhiều năm liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ đất trên cốt ngập đối với dự án Thủy điện Bản tại tỉnh Nghệ An đã khiến địa phương phải xin ý kiến .
Chính vì vậy, để tìm ra phương án “chốt hạ” cho tình trạng nói trên, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã phải phát văn bản xin ý kiến của Bộ Công Thương sớm có hướng xử lý, giải quyết dứt điểm để bảo đảm quyền lợi cho người dân tái định cư dự án thuỷ điện Bản Vẽ...
Xin ý kiến bồi thường đất trên cốt ngập
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án Thủy điện Bản Vẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003 và đi vào vận hành khai thác từ năm 2010. Tuy nhiên, hiện nay đang còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ về đất trên cốt ngập đối với dự án này.
Cụ thể, theo quy định hiện nay, các hộ dân có phần diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ dự án thủy điện đủ điều kiện để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 5, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.
Chi tiết được quy định tại Khoản 3 quy định, hộ tái định cư có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ, chuyển đến điểm tái định cư xa nơi sản xuất cũ từ 5 km trở lên, bị thu hồi đất thì được bồi thường về đất. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.
Mặt khác, cũng tại Nghị định 112/2008/NĐ-CP theo quy định tại Khoản 4 thì hộ tái định cư và hộ gia đình bị ảnh hưởng có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Nghị định này có khoảng cách từ nơi ở đến khu đất sản xuất dưới 5 km nhưng không có đường vào khu đất sản xuất đó, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.
Vậy nhưng, theo quy định tại Khoản 1, Điều 23 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg, thì các dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo Quyết định 64/2014/NĐ-CP.
Trong khi đó, dự án Thủy điện Bản Vẽ đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt Quy hoạch chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình Thủy điện Bản Vẽ tại Quyết định số 1291/QĐ-EVN-QLXD-KTDT ngày 19/5/2005 và được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) thống nhất Quy định tạm thời về bồi thường, di dân tái định cư Dự án Thủy điện Bản Lả (nay là Bản Vẽ) tại Văn bản số 1174/CV-NLĐK ngày 16/3/2005, chỉ được bồi thường về đất đối với các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án (phạm vi ngập lòng hồ, dưới cao trình 200m). Vì vậy, đối với các hộ dân có phần diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ dự án Thủy điện Bản Vẽ không đủ điều kiện lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất.
Trên thực tế, khi triển khai theo chủ trương của dự án, những hộ dân có đất ở và đất sản xuất nông nghiệp nằm trên cốt ngập lòng hồ thủy điện đều phải di dời cùng với cộng đồng làng bản, không thể ở lại, cũng như quay trở lại sản xuất trên phần đất này.
Đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng
Theo văn bản số 3580/UBND-CN ngày 11/5/2023 do ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký gửi Bộ Công thương nêu rõ: “…để đảm bảo quyền lợi cho người dân tái định cư Dự án Thủy điện Bản Vẽ, cũng như để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, an ninh, trật tự trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được lập phương án thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất trên cốt ngập Dự án Thủy điện Bản Vẽ theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 5, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg”.
Theo như văn bản của UBND tỉnh Nghệ An nêu thì đến nay công tác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất đối với dự án Thủy điện Bản Vẽ chưa hoàn thành, UBND huyện Tương Dương chưa phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ về đất để làm cơ sở bố trí kinh phí chi trả cho nhân dân. Do đó, cần thiết phải thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng về đất trên cốt ngập để có cơ sở bù trừ chênh lệch nơi đi và nơi đến tương tự như các hộ dân thuộc diện tái định cư trong phạm vi ngập lòng hồ.
Mặt khác, phần lớn diện tích đất trên cốt ngập của các hộ dân nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, nhưng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ dân. Vì vậy, hiện nay một số hộ dân vẫn quay trở lại nơi cũ (khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ) để làm ăn, sản xuất, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và ảnh hưởng cho địa phương trong công tác quản lý đất đai, cũng như vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cũng trong một diễn biến liên quan đến hỗ trợ người dân tỉnh Nghệ An thuộc diện tái định cư và ảnh hưởng bởi thiên tai bị thiệt hại sau bão số 4 (tháng 8/ 2018) của người dân vùng dự án thuỷ điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của dự án, vào tháng 01/2023.
Theo đó, trên cơ sở nội dung báo cáo trình của UBND tỉnh Nghệ An (văn bản số 9344/UBND-CN ngày 07/12/2018), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thuỷ điện Bản Vẽ.
Theo Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo EVN khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các huyện Tương Dương, Thanh Chương rà soát các tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thiệt hại sau bão số 4 của người dân vùng dự án thuỷ điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của dự án. Trên cơ sở đó, xem xét, xử lý hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư của dự án thuỷ điện Bản Vẽ theo đúng quy định hiện hành…
EVN cũng đã tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Nghệ An vào ngày 18/9/2019 trên tinh thần cả 02 bên đã tiến hành rà soát, thống nhất nội dung hỗ trợ ổn định cuộc sống của người dân sau lũ năm 2018 và giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thuỷ điện Bản Vẽ theo đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An với tổng giá trị 39.736.836.000 đồng nhưng suốt hơn 3 năm vẫn chưa được giải quyết...
Đường hầm dẫn nước xuyên núi dài nhất Việt Nam, thuộc hệ thống nhà máy thủy điện 9.500 tỷ đồng
Phát triển kháng thể mới có khả năng điều trị nhiều loại ung thư khác nhau