Nghề thủ công truyền thống thổi hồn cho ngành thời trang ở Trung Đông
Nhiều hãng thời trang và đồ trang sức ở Trung Đông đang xem xét lại việc áp dụng các phương pháp sản xuất thủ công truyền thống nhằm nâng cao giá trị cảm xúc gắn liền với các sản phẩm.
Trong suốt thế kỷ 20, khi các thương hiệu tung ra sản phẩm với tốc độ chóng mặt nhờ sự hỗ trợ của máy móc. Nhiều kỹ thuật thủ công được sử dụng trong sản xuất thời trang và đồ trang sức dần dần bị lu mờ. Số lượng nghệ nhân lành nghề nhanh chóng suy giảm khi thế hệ trẻ hướng tới sự nghiệp trong văn phòng, phần mềm và công nghệ thay vì lao động chân tay.
Tuy nhiên, tại Trung Đông, khái niệm “thủ công” đang được người tiêu dùng tìm kiếm để trải nghiệm những hành trình cảm xúc sâu lắng đã tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Nghề thủ công truyền thống đang bùng nổ khi được các thương hiệu và tổ chức ủng hộ.
Theo nghĩa đen, Trung Đông là trung tâm của thương mại dệt may toàn cầu trong nhiều thế kỷ, là một ngã tư giữa phương Đông và phương Tây. Đó là một điểm then chốt trên các tuyến đường thương mại “Con đường tơ lụa”, với hàng dệt may được vận chuyển qua lại giữa châu Âu và châu Á.
Sự kết hợp những ảnh hưởng toàn cầu với truyền thống văn hóa của riêng khu vực khiến Trung Đông trở thành nơi hội tụ của các thương hiệu và nghệ nhân trong lĩnh vực thời trang.
Tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Hội đồng Thủ công Đương đại Irthi mở rộng cam kết đối với các nghề thủ công truyền thống trong nước. Từ khi thành lập, tổ chức này đã hỗ trợ cho phụ nữ UAE, đặc biệt là khơi dậy niềm đam mê truyền thống của họ, khuyến khích thực hành các kỹ thuật dệt truyền thống như talli và safeefah.
Bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức địa phương, tham gia các buổi triển lãm quốc tế và hợp tác với các thương hiệu toàn cầu, Irthi không chỉ nâng cao vị thế của những nghề thủ công trong nước, mà còn nuôi dưỡng cảm giác tự hào của các nghệ nhân địa phương.
Hơn nữa, các chương trình do Hội đồng tổ chức đã khuyến khích thế hệ trẻ tham gia, thúc đẩy mối liên hệ sâu sắc hơn giữa họ với di sản nghề thủ công.
Arab Saudi đã thành lập Ủy ban Thời trang (Bộ Văn hóa), cam kết phát triển ngành công nghiệp thời trang đi kèm với bảo vệ di sản thủ công truyền thống của mình.
Nhấn mạnh về sứ mệnh của mình, Burak Cakmak, Giám đốc điều hành của Ủy ban, cho hay: “Ủy ban Thời trang được thành lập để xây dựng một ngành công nghiệp thời trang hướng tới tương lai, khuếch trương và ủng hộ chuỗi giá trị của nghề thủ công địa phương”.
Năm 2022, Ủy ban đã thành lập nền tảng “Saudi 100 Brands”, chọn ra 100 nhà thiết kế trong nước có tác phẩm được trưng bày trên khắp thế giới. Triển lãm du lịch năm 2023 cũng được đổi mới, lập ra một nhóm nghệ nhân tài năng, là cơ sở nâng cao nhận thức về thương hiệu trên toàn cầu.
Các nhà thiết kế trong khu vực thường xuyên lấy cảm hứng từ di sản văn hóa của họ. Ví dụ: nhà thiết kế người Ai Cập Fatma Mostafa - người chiến thắng hạng mục trang sức tại giải thưởng Fashion Trust Arabia năm 2022, đã tạo ra những món đồ trang sức độc đáo dựa trên lịch sử cổ xưa và phong cảnh đa dạng của quê hương cô.
Các thiết kế của cô hiện được bán ở phạm vi toàn cầu, trên nền tảng bán lẻ trực tuyến Matches Fashion (Anh).
Fatma Mostafa kết hợp kỹ thuật trang sức hiện đại với hàng thủ công truyền thống, lấy cảm hứng từ di sản của tổ tiên.
Cô nói: “Ở Trung Đông, hàng thủ công luôn là nền tảng cho thiết kế, đặc biệt là đồ trang sức, vì chúng là một phần thiết yếu trong văn hóa của chúng tôi và mỗi nơi đều có đồ trang sức độc đáo của riêng mình. Những nghề thủ công truyền thống bộc lộ vẻ đẹp của chúng một cách chậm rãi theo thời gian. Chúng cũng là nguồn thu nhập cho nhiều cộng đồng vẫn bảo tồn chúng”.
Những món đồ thủ công đại diện cho nguồn gốc của thời trang và đồ trang sức từ hàng ngàn năm ở Trung Đông, trước khi các xu hướng thời trang mới chiếm ưu thế. Kỹ năng của người thợ thủ công là một phần của tất cả các ngành từ xa xưa, đặc biệt là trong ngành thời trang. Vì vậy, việc bảo tồn chúng là điều quan trọng để duy trì vẻ đẹp không thể tìm thấy ở những thứ được sản xuất hàng loạt và giữ cho chúng ta kết nối với cội nguồn của mình.
(Theo Thenational)