[Nghệ thuật "bắt dao rơi" - Bài 2] Nhận diện các chiến lược

19-06-2022 11:38|Anh Tú

Thị trường giá xuống (bear market) kéo dài khi giá cổ phiếu bị sụt giảm đột ngột do động thái bán tháo hàng loạt thường được xem là thời điểm mà những bottom fisher hoạt động tích cực nhất.

Lợi nhuận của nhà đầu tư bắt đến từ sự hoảng loạn của nhà đầu tư khác

Khi được thực hiện với phân tích cơ bản, việc bắt đáy đôi khi được hiểu là đầu tư giá trị, trong đó các bottom fishers sẽ “săn lùng” những cổ phiếu đang được định giá thấp và kỳ vọng sẽ tăng giá trị trong tương lai.

Nhà đầu tư giá trị sẽ tập trung vào việc xác định các cơ hội mà thị trường có thể định giá cổ phiếu không chính xác bằng cách xem xét các tỷ lệ định giá và dự đoán dòng tiền trong tương lai.

[Nghệ thuật "bắt dao rơi" - Bài 1] Tìm hiểu lý thuyết

Ví dụ: Một công ty đang trải qua một quý tồi tệ do vấn đề chuỗi cung ứng dẫn đến kết quả kinh doanh giảm sút mạnh. Khi đó, nhà đầu tư giá trị nhận định rằng đó chỉ là một sự cố và quyết định mua cổ phiếu đó với hy vọng nó sẽ nhanh chóng phục hồi để giao dịch ở mức định giá tốt hơn so với cổ phiếu cùng ngành.

Thị trường giá xuống (bear market) kéo dài khi giá cổ phiếu bị sụt giảm đột ngột do động thái bán tháo hàng loạt thường được xem là thời điểm mà những bottom fisher hoạt động tích cực nhất.

Khi thị trường sụt giảm, hoặc thậm chí lao dốc nghiêm trọng, nhiều người nắm giữ cổ phiếu lo lắng và hoảng loạn bán ra với bất cứ giá nào. Đối với nhà đầu tư săn giá hời – bắt đáy, đây chính là cơ hội mà họ chờ đợi. Họ háo hức chớp lấy cơ hội này, lao vào mua với giá rẻ.

Rủi ro của chiến lược này nằm ở chỗ mặc dù một cổ phiếu có thể đã giảm trong một thời gian dài, hoặc có vẻ tốt về mặt cơ bản, nhưng nếu các nhà đầu tư khác không mua nó, thay vào đó tiếp tục bán nó, giá sẽ tiếp tục giảm. Khi cổ phiếu giảm dưới mức giá bắt đáy nhiều tháng liền, nhà đầu tư chắc chắn sẽ hình thành tâm lý chán nản và bán ra bằng mọi giá, điều này có thể khiến giá cổ phiếu rơi xuống vực nhiều năm.

Những ví dụ về bắt đáy chứng khoán

Đầu tư vào cổ phiếu của một công ty nhôm khi giá nhôm đang xuống dốc.

- Mua cổ phiếu của một công ty vận tải container trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

- Đầu tư vào một công ty truyền thông in ấn đang chịu áp lực cạnh tranh từ Internet.

- Mua cổ phiếu của một ngân hàng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, không rõ khi nào giá cổ phiếu sẽ phục hồi hay liệu giá cổ phiếu có phục hồi hay không. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tạo ra lợi nhuận đáng kể trong khi đầu tư vào các công ty truyền thông in ấn có thể đã thua lỗ vì ngành này chưa bao giờ tìm cách phục hồi hoàn toàn sau áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Warren Buffett và Benjamin Graham là 2 trong số những nhà đầu tư giá trị nổi tiếng đã tích lũy lượng tài sản khổng lồ khi mua các cổ phiếu đang giao dịch ở mức định giá thấp so với giá trị nội tại và chờ giá hồi phục về mức bình thường (như Warren Buffett đã “bỏ túi” 50 tỷ USD nhờ cổ phiếu Apple năm 2020).

Ví dụ gần nhất về đợt bắt đáy thành công là vào tháng 3/2020 khi đại dịch bùng nổ chứng kiến sự lao dốc thị trường chứng khoán thế giới. Khi ấy, nhiều nhà đầu tư đã bắt đáy bằng cách mua các cổ phiếu blue chip như Facebook, Apple,… khi họ kỳ vọng rằng sự sụt giảm đó là “quá đà” và sẽ sớm đảo chiều. Thực tế đã chứng minh họ đã đúng khi chỉ số Nasdaq đã bật tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.

Bắt đáy bằng việc xác định vùng quá bán trong phân tích kỹ thuật

Đối với phân tích kỹ thuật, để thực hiện bắt đáy, nhà đầu tư sẽ cần áp dụng những chỉ báo để tìm ra vùng quá bán (oversold) của cổ phiếu. Ví dụ, một công ty có thể báo cáo kết quả tài chính hàng quý thấp hơn dự kiến ​​và bị sụt giảm giá đáng kể.

Các trader có thể nhận thấy áp lực bán đang bắt đầu giảm bớt và quyết định mua một vị thế mua để tận dụng sự phục hồi ngắn hạn. Thông thường, những trader này có thể sử dụng các chỉ báo kỹ thuật hữu ích khi đánh giá xem cổ phiếu đó có bị quá bán hay không hoặc xem xét các mẫu biểu đồ hình nến để đưa ra các quyết định tương tự.

Dù được xem là một chiến lược đầu tư nhưng vì độ khó nhằn mà bắt đáy thường được xem là hình thức nghệ thuật mang tính trừu tượng trong quá trình thực hiện. Điểm mấu chốt của nghệ thuật này là nhà đầu tư bắt đáy thành công không tìm mua chứng khoán suy kiệt ở mức thấp tuyệt đối mà mua nó ở điểm có xác suất tăng giá trị là cao nhất.

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nghe-thuat-bat-dao-roi-bai-2-nhan-dien-cac-chien-luoc-136320.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
[Nghệ thuật "bắt dao rơi" - Bài 2] Nhận diện các chiến lược
POWERED BY ONECMS & INTECH