Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đem đến những giải pháp phù hợp như cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất, đa dạng hóa công cụ thanh toán, thanh toán trước hạn,...
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Ghi nhận kể từ sau biến cố trái phiếu Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu diễn ra ảm đạm và trần lắng với lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm mạnh trong khi hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tăng nhanh.
Mới nhất, theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến ngày 31/1/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong năm 2023. Điều này hoàn toàn trái ngược với cùng kỳ năm 2022 khi có 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 16 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành lên tới 29.280 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó, việc sửa đổi Nghị định 65/2022 với một số đề xuất mới được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường và giải cứu nhiều doanh nghiệp.
Một số đề xuất chính:
- Đề xuất quy định thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác như sản phẩm bất động sản hoặc cổ phần doanh nghiệp.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect (VND), tổng giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cả năm 2023 ở mức 272.853 tỷ đồng - tăng 77% so với năm 2022 trong đó 102.570 tỷ đồng đến từ nhóm bất động sản. |
Theo đó, Bộ tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc: Tuân thủ quy định pháp luật; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
- Đề xuất việc cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn (tối đa 2 năm); bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ lãi, gốc trái phiếu cho nhà đầu tư này.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu tháng 2/2023 đến nay, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã công bố thông tin bất thường về việc xin chậm thanh toán gốc, lãi các lô trái phiếu (bao gồm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star, CTCP Lavida Invest, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seaside Homes). Như vậy, với đề xuất này, nhóm doanh nghiệp trên được cho là sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho việc quyết toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.
- Mặt khác, dự thảo mới cũng ngưng hiệu lực thị hành với một số quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023. Cụ thể:
+ Giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo đó, nếu được thông qua, quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2024, thay vì từ đầu năm 2023 như Nghị định 65/2022.
Theo Bộ Tài chính, quy định này sẽ giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và doanh nghiệp có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản khó khăn.
+ Lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn. Cụ thể, theo Nghị định 65/2022, từ đầu năm 2023, hồ sơ chào bán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm trong khi Dự thảo Nghị định (sửa đổi) đề xuất, lùi tới đầu năm 2024.
+ Đề xuất ngưng thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt là 90 ngày. Từ 1/1/2024 sẽ áo dụng quy định tại Nghị định 65 là 30 ngày.
Thị trường trái phiếu phải tái khởi động để lấy lại niềm tin nhà đầu tư
Tại báo cáo thị trường trái phiếu năm 2022 triển vọng 2023 cập nhật ngày 13/2/2023 của Chứng khoán VNDirect, công ty này cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục trầm trong nửa đầu năm 2023 song khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh - ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, năm 2022 trở về trước, chúng ta đã thấy cấu trúc phát hành trái phiếu vô tội vạ, không có đơn vị quản lý; rất nhiều tiền từ phát hành trái phiếu được doanh nghiệp âm thầm đưa vào thị trường chứng khoán mà không có đơn vị kiểm soát.
"Tuy nhiên, sau đợt siết trong năm 2022 khiến thị trường nguội lạnh, tôi cho rằng trong những năm tới, thị trường trái phiếu sẽ phải khởi động trở lại để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Phải có một đơn vị nào đó kiểm duyệt trái phiếu và xếp hạng trái phiếu để nhà đầu tư có thể mua trái phiếu.
Cần nhấn mạnh lại rằng, trái phiếu chính là một kênh dẫn vốn rất quan trọng ngoài kênh vốn trên thị trường chứng khoán", ông Nhân nhấn mạnh.