Xã hội

'Nghĩa trang liệt sĩ không có nấm mồ nào' là Di tích Quốc gia đặc biệt vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch

Linh Chi 02/05/2025 16:35

Nơi đây không chỉ là chứng nhân của những năm tháng chiến tranh oanh liệt, mà còn là nghĩa trang liệt sĩ không tên, nơi từng tấc đất thấm máu của biết bao anh hùng.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Theo Quy hoạch, phạm vi khoảng 454,15ha, là những khu vực liên quan đến di tích và sự kiện lịch sử thuộc thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

'Nghĩa trang liệt sĩ không có nấm mồ nào' là Di tích Quốc gia đặc biệt vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch - ảnh 1
Di tích Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Internet

Mục tiêu của Quy hoạch này là bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, tôn vinh tinh thần chiến đấu của quân và dân ta; đồng thời cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo quyết định của Chính phủ, đối tượng nghiên cứu quy hoạch gồm các điểm di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện trận đánh khốc liệt 81 ngày đêm năm 1972; giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc liên quan. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, tín ngưỡng, phong tục địa phương; công tác quản lý, bảo tồn, cơ sở hạ tầng, các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường và chính sách liên quan cũng thuộc phạm vi quy hoạch.

Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Trị bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiệm vụ phân công cơ quan chủ đầu tư; lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

'Nghĩa trang liệt sĩ không có nấm mồ nào' là Di tích Quốc gia đặc biệt vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch - ảnh 2
Thành cổ Quảng Trị lung linh ánh đèn. Ảnh: P.X/Thanh niên

Thành cổ Quảng Trị là một biểu tượng lịch sử thiêng liêng của dân tộc ta. Đây không chỉ là Di tích Quốc gia đặc biệt mà còn là “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu những trang sử bi tráng nhất của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Thành được xây dựng dưới thời vua Gia Long. Ban đầu, thành được xây tại phường Tiền Kiên (nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong). Đến năm 1809, nhà vua cho dời về xã Thạch Hãn (nay là phường 2, thị xã Quảng Trị).

Thành được đắp đất, sau đó xây lại bằng gạch nung lớn, kết dính bằng vôi, mật mía và các phụ gia truyền thống khác. Kiến trúc thành hình vuông, chu vi hơn 2.000m, cao trên 4m, dày hơn 12m ở chân, bao quanh là hào sâu, bốn góc có pháo đài, bốn cửa chính hướng Đông – Tây – Nam – Bắc.

Suốt triều Nguyễn (1809–1945), nơi đây là trung tâm quân sự và hành chính quan trọng. Đến năm 1929, thực dân Pháp xây nhà lao trong thành, biến nơi này thành chốn giam giữ những người yêu nước.

Nhưng chính vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, Thành cổ Quảng Trị trở thành nơi diễn ra một trong những trận chiến khốc liệt nhất lịch sử. Trong suốt 81 ngày đêm, nơi đây oằn mình đỡ hàng vạn tấn bom đạn, hứng chịu sự tàn phá của pháo hạm, B-52 và hỏa lực hạng nặng. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống, hòa máu mình vào từng tấc đất để giữ lấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên Thành cổ. Trận chiến không chỉ quyết định về mặt quân sự mà còn là biểu tượng tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Sau năm 1975, đặc biệt từ thập niên 1990, Thành cổ được phục dựng, tôn tạo. Những đoạn tường thành, bốn cổng chính, giao thông hào và đài tưởng niệm được dựng lại. Một bảo tàng được xây ở góc Tây Nam là nơi trưng bày các di vật và những bức thư vĩnh biệt của chiến sĩ gửi về gia đình trong những ngày cuối cùng. Toàn bộ khuôn viên được quy hoạch thành công viên tưởng niệm – không chỉ là điểm đến du lịch mà là nơi lắng đọng tâm linh, nơi nhân dân cả nước về thắp hương, tri ân những người đã hy sinh.

Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị không chỉ là chứng nhân của những năm tháng chiến tranh oanh liệt, mà còn được ví như một nghĩa trang dù không có nấm mồ nào, nơi từng tấc đất thấm máu của biết bao anh hùng.

>>‘Nghĩa trang liệt sĩ’ không có bất cứ nấm mồ nào ở Việt Nam: Từng là kiệt tác quân sự nhưng phải hứng chịu hơn 328.000 tấn bom đạn, nằm cạnh dòng sông được ví như ‘cối xay thịt’ một thời

Việt Nam có tháp gạch cổ nghìn năm bí ẩn vừa được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

Việt Nam chính thức có thêm một di tích quốc gia đặc biệt: Là tuyến vận tải quân sự bí mật, do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện trên Biển Đông

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nghia-trang-liet-si-khong-co-nam-mo-nao-la-di-tich-quoc-gia-dac-biet-vua-duoc-chinh-phu-phe-duyet-quy-hoach-141555.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Nghĩa trang liệt sĩ không có nấm mồ nào' là Di tích Quốc gia đặc biệt vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch
    POWERED BY ONECMS & INTECH