"Ngỡ ngàng" chất lượng dòng tiền của Thế giới Di động (MWG) sau quý I/2022

04-05-2022 15:01|Việt Anh

Từ khi niêm yết trên sàn HOSE năm 2014 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính của Thế giới Di động âm kỷ lục như hiện tại.

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) mới đây  công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với ghi nhận doanh thu đạt 36.466,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.445,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,3% và 8% so với cùng kỳ năm trước trong đó biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,8% về còn 22,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 15,7% so với cùng kỳ (1.099,4 tỷ đồng) lên 8.124,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 23,1% (66,6 tỷ đồng) lên 354,9 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 35% (53,5 tỷ đồng) lên 206,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 17,7% (941,9 tỷ đồng) lên 6.275,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, lợi nhuận sau thuế tăng chậm hơn tốc độ tăng của lợi nhuận gộp chủ yếu do chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp có dấu hiệu tăng mạnh.

Trong năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty mới hoàn thành được 22,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Điểm đáng lưu ý, dòng tiền kinh doanh chính của công ty tiếp tục âm.

Cụ thể, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 3.383,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.625 tỷ đồng; Dòng tiền đầu tư dương 2.438,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 61,1 tỷ đồng.

Đáng nói từ khi niêm yết trên sàn HOSE năm 2014 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính của doanh nghiệp âm kỷ lục như hiện tại. Trước đó, kỷ lục từng được ghi nhận là năm 2019 với giá trị âm 1.286 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dòng tiền âm chủ yếu do công ty tăng tồn kho và giảm khoản phải trả trong kỳ. Tính tới 31/3/2022, tồn kho tăng 11,7% so với đầu năm (3.420,7 tỷ đồng) lên 32.587,9 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn giảm 12,1% so với đầu năm (1.471,6 tỷ đồng) còn 10.708,2 tỷ đồng; đây chính là hai khoản mục biến động dẫn tới dòng tiền âm kỷ lục từ khi niêm yết tới nay.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của MWG giảm 1% so với đầu năm về 62.370,6 tỷ đồng trong đó tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 52,2% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 9.577,5 tỷ đồng - chiếm 15,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.669,3 tỷ đồng - chiếm 4,3% tổng tài sản và các tài sản khác.

Tổng nợ vay ngắn hạn đến cuối quý của MWG là 24.485,6 tỷ đồng - chiếm tới 39,3% tổng nguồn vốn. 

Đáng chú ý, Thế giới Di động đang cho vay gần 940 tỷ đồng trong đó CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC, Mã: HCM) vay 765 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán VPS vay 158 tỷ đồng còn lại là CTCP Đầu tư Đông Sài Gòn. Đây đều là các khoản cho vay với kỳ hạn ngắn từ 3 - 6 tháng với lãi suất từ 6,4% - 7% mỗi năm.

Ngoài cho vay các công ty chứng khoán, Thế Giới Di Động còn gửi ngân hàng và mua trái phiếu tổng trị giá hơn 14.300 tỷ đồng. Trong số này, gần 11.700 tỷ đồng được đầu tư với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng và hưởng lãi suất dao động từ 5% đến 8,65% mỗi năm.

Các khoản cho vay, tiền gửi ngân hàng và mua trái phiếu kể trên đem về cho Thế giới Di động 211 tỷ đồng tiền lãi trong quý I/2022. Trong khi đó, chi phí lãi vay của công ty là 200 tỷ đồng.

Chủ tịch Thế Giới Di Động (MWG) đăng ký bán ra lượng cổ phiếu kỷ lục

Thế Giới Di Động (MWG) giải thể 2 công ty con sau 2 năm thành lập

Bài thuộc chủ đề Dịch vụ, Bán lẻ
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngo-ngang-chat-luong-dong-tien-cua-the-gioi-di-dong-mwg-sau-quy-i2022-125691.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Ngỡ ngàng" chất lượng dòng tiền của Thế giới Di động (MWG) sau quý I/2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH