Điểm đến

Ngôi chùa rộng gần 20.000m2 xác lập kỷ lục có kiến trúc giao thoa Đông - Tây độc đáo, được coi là báu vật văn hóa của miền Tây Nam Bộ

Quỳnh Như 26/11/2023 - 23:41

Đây là một công trình kiến trúc đặc sắc, là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi tới Tiền Giang.

Chùa Vĩnh Tràng khởi thủy có tên là Vĩnh Trường (Vĩnh Trường Tự) - một trong những ngôi chùa cổ ở miền Tây Nam Bộ, tọa lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ngôi chùa này được biết đến nhiều với kiểu kiến trúc rất khác lạ so với những ngôi chùa ở miền Tây Nam Bộ.

Empty

Nếu chỉ đứng bên ngoài, du khách sẽ thấy chùa Vĩnh Tràng khoác lên mình dáng dấp của một tòa kiến trúc châu Âu. Những hàng cột, bông sắt của Pháp, phù điêu bát tiên kỵ thú, chi tiết chạm trổ hoa văn thời phục hưng hay vòm cửa kiểu La Mã... xen lẫn những chi tiết trang trí mang đậm nét ảnh hưởng của kiến trúc Khơ-me, Hoa, Chăm...

Từ ngoài vào, cổng chùa mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn rất rõ nét, với nhiều họa tiết trang trí độc đáo, nổi bật với “Lưỡng Long chầu Nguyệt”. Cổng chùa được các nghệ nhân Huế xây dựng năm 1933, với 3 tầng, có gác chuông. Các đề tài trang trí đặc sắc, chủ yếu là “Tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phụng); “Tứ quý” (Tùng, Cúc, Trúc, Mai); “Tứ dân” (Ngư, Tiều, Canh, Mục)…

Empty

Chùa kiểu “nội Công, ngoại Quốc”, từ ngoài nhìn vào ngôi chùa có ba đỉnh tháp trông giống đền Angkor Wat ở Campuchia. Mặt tiền của chùa và khu vực sân Thiên tĩnh (giếng trời) nối liền chánh điện và nhà tổ thể hiện lối kiến trúc và phong cách trang trí của Pháp và Ý. Tuy nhiên, chùa vẫn mang đậm nét lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Chùa Vĩnh Tràng gồm bốn gian nối tiếp nhau: tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu, rộng khoảng 20.000m2. Với 178 cây cột gỗ, 2 sân thiên tĩnh, năm lớp nhà. Trên nóc chùa có 5 mái nhô cao, tượng trưng cho “ngũ hành” theo quan niệm của phương Đông. Cùng với đó là các đồ án trang trí được các lớp nghệ nhân dân gian thể hiện khá độc đáo...

Empty

Càng đi sâu vào bên trong chùa, du khách lại cảm nhận rõ hơn nét đẹp Việt thể hiện ở hệ thống các hoành phi, tượng gỗ được chạm khắc khéo léo, tinh xảo. Khi bước vào trong chánh điện, đường lối kiến trúc của nhà rường Nam Bộ được giữ lại với nhiều nét xưa, đặc biệt là gian thờ Tổ của chùa Vĩnh Tràng. Toàn bộ chánh điện được xây dựng với hệ khung gỗ truyền thống, lợp ngói âm dương cùng kiểu kiến trúc điêu khắc mang đậm truyền thống người Việt.

Empty

Cùng với đặc điểm chung của các ngôi chùa Nam Bộ, chùa Vĩnh Tràng cũng hướng đến không gian tâm linh thiêng liêng. Điều này thể hiện rõ ở công trình bao lam tinh xảo, gồm 7 bao lam chính yếu cùng các bao lam phụ. Điển hình là bộ bao lam bát tiên kỵ thú đặt ở gian giữa Đại Hùng Bảo Điện, xung quanh là các hoành phi, câu đối, tượng gỗ chạm khắc đẹp mắt.

Empty

Bên cạnh kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Tràng còn là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách hành hương để chiêm bái, lễ lạt. Ngôi cổ tự hiện đang lưu giữ hơn 60 bức tượng Phật quý được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đồng hay đất nung. Tất cả đều dát vàng tạo nên nét huyền diệu, uy nghi và oai vệ cho những bức tượng. Đặc biệt nhất có thể kể đến bộ tượng 18 vị La Hán tạc bằng gỗ mít vào đầu thế kỷ 20 đặt ở hai bên tường chánh điện.

Với khuôn viên rộng lớn, chùa Vĩnh Tràng còn nổi tiếng với 3 bức tượng lớn đặt ngoài trời bao gồm tượng Phật A Di Đà cao 24m đứng ở trước chùa. Tượng Phật Di Lặc cao 20m đặt bên hông chùa và tượng Phật Thích Ca trong tư thế nhập niết bàn có chiều dài 32m. Ngoài ra nơi đây còn có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trong khuôn viên chùa và nhiều tôn tượng của các vị Phật uy nghiêm trong chánh điện.

Empty

Bên cạnh những pho tượng, hiện vật còn lại trong chùa này phải kể đến là Đại Hồng Chung mang tên Pháp Bảo Chuông nặng khoảng 150kg, được đúc giữa tháng 5/1854 trên đó khắc chữ "Vĩnh Trường Tự". Hiện nay Pháp Bảo Chuông không sử dụng được, bị hỏng do nằm lâu dưới nước sau thời gian thất lạc.

Empty

Đặc biệt, chùa còn giữ được bộ Thập bát La hán với nhiều dáng vẻ khác nhau, rất sống động, là những tác phẩm tượng tròn độc đáo được các nghệ nhân Nam Bộ tạc vào những năm đầu thế kỷ 20.

TYYng_Phat_Di_LYc_trong_khuon_vien_Chua

Ngoài ra trong chùa hiện nay còn hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị, mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình "mai, lan, cúc, trúc", hình phong cảnh Việt Nam rất nên thơ. Đó là công trình của Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904. Trong chùa còn có nhiều bao lam được chạm trổ công phu và những bức hoành phi, câu đối được khắc chữ nổi, thếp vàng, được khắc từ 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp.

Empty

Chùa Vĩnh Tràng nằm ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 70km. Du khách có thể lái xe từ TP HCM theo đường quốc lộ 1A về hướng miền Tây, sau đó tiếp tục đi thẳng trên quốc lộ 50 đến khi gặp chùa Vĩnh Tràng. Chỉ mất khoảng 1,5 - 2 giờ để tới chùa.

Ngôi cổ tự Vĩnh Tràng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1984. Nơi đây cũng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong cách kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây” vào năm 2007.

>> Cổ tự 1.500 tuổi độc nhất vô nhị treo lơ lửng trên vách núi, lọt top ngôi chùa có kiến trúc bí ẩn nhất thế giới

Ngôi chùa “ve chai” gần 7.000m2 sở hữu đến 16 kỷ lục quốc gia của Việt Nam, toàn bộ được kết từ hàng triệu mảnh chai sành, gốm, sứ

Chiêm ngưỡng kiến trúc gỗ độc đáo của ngôi chùa cổ 60 gian nổi tiếng Nam Định

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngoi-chua-rong-gan-20000m2-xac-lap-ky-luc-co-kien-truc-giao-thoa-dong--tay-doc-dao-duoc-coi-la-bau-vat-van-hoa-cua-mien-tay-nam-bo-d112031.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngôi chùa rộng gần 20.000m2 xác lập kỷ lục có kiến trúc giao thoa Đông - Tây độc đáo, được coi là báu vật văn hóa của miền Tây Nam Bộ
    POWERED BY ONECMS & INTECH