Ngôi đền bằng đá duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam: Thờ 3 vị Lạc tướng thời Hùng Vương, sở hữu kiến trúc khiến giới nghiên cứu phải ngỡ ngàng
Xung quanh đền có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Qua nhiều lần tu sửa tôn tạo, nay đền còn 4 tòa chính và một dãy giải vũ.
Đền Đá hay còn gọi là đình Đá, thuộc thôn Nam Hà (xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Đây là nơi thờ 3 anh em họ Vũ - những vị tướng thời Hùng Vương, trong đó người em út là Vũ Uy được tôn làm Thành hoàng làng. Ngoài ra còn có bài vị thờ hai người anh của ngài là Chính Ngọ và Gia Sửu.
Bên cạnh ba vị Lạc tướng, trong đền Đá còn thờ 12 vị tổ (thập nhị gia tiên tổ) của 12 họ sớm về đây lập làng cũng như phối thờ hai vị đại khoa họ Hoàng và họ Lưu để nhân dân địa phương ghi nhớ truyền thống hiếu học của mình, khích lệ con cháu phát huy niềm tự hào đó.
Danh nho triều Lê là Nguyễn Cung có bài “Cảm hoài” nói về mảnh đất Kim Âu và công lao to lớn của 3 anh em họ Vũ, rằng: “Quyết trừ giặc Thục công danh vẹn/Thề giúp vua Hùng kế sách hay”.
Đền Đá là một công trình kiến trúc lớn tọa lạc trên khu đất cao, với diện tích trên 2 mẫu, ở giữa cánh đồng xa khu dân cư. Xung quanh đình có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Qua nhiều lần tu sửa tôn tạo, nay đình còn 4 tòa chính và một dãy giải vũ.
Theo người trông coi, đền Đá là tên gọi bây giờ, trước đây, tên của đền là đình Đá. Những lần tu sửa ngôi đền gần nhất là vào thời vua Thành Thái (năm 1892) và một lần cách đây 70 năm. Đền hoàn toàn bằng đá mà vẫn giữ được kiến trúc cổ. Qua mấy trăm năm tồn tại, ngôi đình là một di tích cổ bằng đá thuộc hàng đẹp nhất Việt Nam. Không chỉ có vậy, đây còn là ngôi đình làng bằng đá duy nhất còn tồn tại.
Bên trong bái đường là hai tòa đệ nhị và đệ tam. Tòa đệ tam gồm 5 gian, được tu sửa năm 1877. Tòa đệ nhị cũng có 5 gian, được trùng tu vào đời vua Thành Thái năm thứ 4 (năm 1892). Mỗi gian của bái đường đều có một bộ cửa võng bằng đá. Đây là một mảng đá liền khối, ngoài nhiệm vụ là hàng xà, nó giữ và tạo sự liên kết giữa các hàng cột, cửa võng còn là những bức phù điêu chạm khắc công phu.
Những họa tiết “hổ phù” chạm nổi oai nghiêm, những băng triện tàu, lá dắt làm rất hài hòa và cách tạo dáng của cửa võng rất hợp cảnh với các phù điêu long thăng, long cuốn thủy ở cột. Ở thân cột trụ vuông đầu hồi là các đề tài chạm khắc cành mai con chim (mai điểu), cây tùng con hạc, hoa cúc con bướm (cúc điệp), cành trúc con chim...
Cũng ở mặt tiền tòa bái đường, các cột trụ đầu hồi bằng đá, đứng trên chân cổ bồng có trang trí lá sòi, cánh sen đẹp mắt. Chân trụ có nẹp nổi, đai nổi; phía trên có đấu, trang trí lồng đèn làm công phu, tỷ lệ cân xứng; trên cùng là nghê chầu cũng bằng đá làm theo phong cách cổ truyền.
Bên trong chính tẩm, cửa vào hậu cung bằng gỗ lim được chạm nổi họa tiết lưỡng long chầu ở hai cánh cửa giữa và hai cánh bên cạnh. Liền với chính tẩm còn có thiêu hương làm theo kiểu 3 tầng với bộ mái cong, đao guột. Các tầng được trang trí công phu, đẹp mắt, hấp dẫn với họa tiết đắp nổi theo các đề tài ngũ phúc, lưỡng long hý cầu.
Với những giá trị đó, đền Đá được công nhận là Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 1992. Theo chính quyền địa phương, đây là một di tích quan trọng thu hút nhiều du khách cũng như các nhà nghiên cứu về tham quan.