Điểm đến

Ngôi miếu thiêng 4.000 năm tuổi nằm trên đỉnh núi ở miền Bắc Việt Nam, nổi bật với đôi rồng cổ thời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc ngự trên nóc miếu

Thanh Thanh 23/01/2024 07:08

Người dân, du khách tới ngôi miếu không chỉ cầu may mắn, bình an mà còn có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc từ thuở Hùng Vương dựng nước.

Phú Thọ là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đây nổi tiếng khắp cả nước với những công trình kiến trúc tâm linh. Một trong số đó “Hùng vương tổ miếu” hay còn gọi “miếu cấm”, là điểm đến mà bạn không nên bỏ qua nếu có dịp ghé đến nơi đây.

Theo đó, Hùng Vương Tổ Miếu nằm trên đỉnh núi Cấm, thuộc địa phận làng An Thái, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tương truyền, ngôi miếu này có lịch sử từ thời Hùng Vương, do chính vua Hùng dựng lên. Từ tên ngọn núi đến tên miếu đã gợi bao điều bí mật, linh thiêng, thu hút du khách mọi miền tìm về chiêm bái.

Miếu thiêng ngự trên đỉnh núi

Con đường dẫn lên núi Cấm

Con đường dẫn lên núi Cấm

Núi Cấm nằm cách thành phố Việt Trì chừng 5km, gọi là núi nhưng đây là núi đất và chỉ thấp như một quả đồi. Tương truyền, xưa kia núi Cấm có hình dáng một con ngựa, trên đó cây cối rậm rạp như rừng, rộng cả mấy ha. Vị trí miếu Cấm chính là yên ngựa. Miếu nằm xa khu dân cư, được bao bọc bởi rừng cây cổ thụ, có nhiều thú dữ. Dưới chân núi là hệ thống đầm hồ có mạch nguồn từ núi Cả trên đền Hùng đổ về, lại được thông với sông Lô nên cá tôm nhiều vô kể. Tương truyền mùa mưa nước sâu chảy xiết, mùa khô nước cạn nhưng mực nước cũng lên tới 2-3m. Xưa kia muốn vào miếu Cấm tế lễ, người dân phải đi bằng thuyền độc mộc chứ không có đường bộ như bây giờ.Theo các bậc cao niên, ngôi miếu được dựng ở đỉnh núi Cấm, rất bằng phẳng có lịch sử đã 4.000 năm từ thời Hùng Vương và do chính vua Hùng dựng nên. Miếu Cấm xưa kia dựng từ tranh tre, nứa lá, có lối kiến trúc kiểu nhà sàn của thời đại Hùng Vương, giống hình ảnh nhà sàn khắc trên trống đồng thời văn hóa Văn Lang - Âu Lạc gồm ba gian nhỏ, tường bít đốc, mái lợp lá cọ. Đến năm 1940 miếu xây tường gạch, nền gạch, lợp ngói. Đến năm 2014 miếu được tu bổ gian hậu cung, năm 2015 xây dựng nhà tiền tế tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ nhị như hiện nay.

Để lên được miếu, du khách sẽ phải đi qua một con đường bê tông từ chân núi dẫn lên đỉnh núi nơi miếu cổ, đường chỉ chừng vài trăm mét, hai bên cỏ cây xanh mướt mát. Từ chân núi đi lên, bạn sẽ thấy một bàn thờ thiên rộng rãi ở vị trí lưng ngôi miếu cổ, tương truyền đây là đàn tế trời - nơi các Vua Hùng hành lễ cúng tế, tạ ơn trời đất, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm.

Đàn tế trời trên đỉnh núi Cấm

Đàn tế trời trên đỉnh núi Cấm

Đứng nơi sân miếu nhìn xuống khu vực chân núi Cấm, ngoài những tầng cây to nhỏ chen nhau xanh tốt thì còn có hệ thống đầm hồ ngập nước. Nhờ vậy, không khí nơi đây thanh bình, mát mẻ quanh năm.

Không gian tâm linh trong ngôi miếu cổ

Miếu Cấm với kiến trúc khung, cột gỗ trông giống một ngôi đình cổ của làng quê Bắc bộ, tường gạch bít đốc, mái lợp ngói nam, trên nóc miếu có đôi rồng cổ thời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Theo quan sát, ngôi miếu thiết kế ba gian, bốn cột gỗ lim. Hàng hiên có đôi cột bằng xi măng, trên đỉnh mỗi cột có chạm đôi chim phượng.

Miếu cổ kiến trúc theo lối xây tường bít đốc, có trang trí linh thú và cách điệu hình chữ thọ

Miếu cổ kiến trúc theo lối xây tường bít đốc, có trang trí linh thú và cách điệu hình chữ thọ

Không gian tâm linh trong ngôi miếu cổ

Không gian tâm linh trong ngôi miếu cổ

Trên sân miếu lát xi măng rộng rãi, sạch bóng, một chiếc lư hương lớn đặt ngay sát bậc tam cấp bước vào không gian tâm linh miếu cổ. Lư hương có hoa văn trang trí đậm nét văn hóa Lạc Hồng với hình ảnh đôi chim hạc chầu hai bên. Không gian tâm linh miếu cổ gồm có gian tiền tế bài trí giản dị mà linh thiêng, gian hậu cung với bức đại tự có dòng chữ “Hùng Vương Tổ Miếu” viết bằng chữ quốc ngữ và chữ Việt cổ (còn gọi là chữ Khoa Đẩu). Hai bên cột gỗ lim trước gian hậu cung có đôi câu đối sơn son thiếp vàng, cũng viết bằng chữ quốc ngữ và chữ Việt cổ Khoa Đẩu: “Linh thánh sơn nhật nguyệt/ Miếu mạo thọ sơn hà.”

Bức đại tự cùng đôi câu đối khắc chữ Khoa Đẩu - một loại chữ Việt cổ thời Hùng Vương trong gian hậu cung

Bức đại tự cùng đôi câu đối khắc chữ Khoa Đẩu - một loại chữ Việt cổ thời Hùng Vương trong gian hậu cung

Ngôi miếu này được trùng tu theo nguyên mẫu vào năm 2014. Các hiện vật cổ bên trong vẫn được giữ nguyên, gồm 3 bát hương cổ bằng đất sét nung; 3 bộ cỗ ngai đề chữ Ất Sơn đại vương; Viễn Sơn đại vương; Áp Đạo đại vương; mũ và đôi hia (đôi giày cổ).

Văn bia Hùng Vương tổ miếu dưới gốc cây cổ thụ

Văn bia Hùng Vương tổ miếu dưới gốc cây cổ thụ

Một bài minh chuông về Hùng Vương tổ miếu chép bằng chữ Khoa Đẩu, dịch nghĩa chữ quốc ngữ được thờ tự trong miếu

Một bài minh chuông về Hùng Vương tổ miếu chép bằng chữ Khoa Đẩu, dịch nghĩa chữ quốc ngữ được thờ tự trong miếu

Tới miếu Cấm, du khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện giữa một ngôi miếu cổ linh thiêng bao quanh bởi núi rừng, sông nước vô cùng hữu tình, thơ mộng mang lại sự thanh tịnh, yên bình hiếm đâu có được.

>> Khám phá ngôi đền linh thiêng nằm ngay giữa lòng hồ được canh giữ bởi cá thần khổng lồ, thu hút đông đảo du khách khắp nơi đổ về chiêm bái

Khám phá miếu cổ 3 làng thờ chung một thành hoàng ở miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng là nơi sở hữu nhiều cổ vật quý có niên đại từ thời Nguyễn

Ngôi chùa rộng 10.000m2 nổi tiếng với pho tượng Phật dài 12m và một quả đại hồng chung cao nặng 3,5 tấn, được mệnh danh là chốn tâm linh đẹp nhất Vũng Tàu

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngoi-mieu-thieng-4000-nam-tuoi-nam-tren-dinh-nui-o-mien-bac-viet-nam-noi-bat-voi-doi-rong-co-thoi-nha-nuoc-van-lang--au-lac-ngu-tren-noc-mieu-d115249.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngôi miếu thiêng 4.000 năm tuổi nằm trên đỉnh núi ở miền Bắc Việt Nam, nổi bật với đôi rồng cổ thời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc ngự trên nóc miếu
    POWERED BY ONECMS & INTECH