Ngôi miếu gắn liền với đời sống tâm linh của người dân hai làng Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ, ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử và văn hóa đáng quý.
Giữa sự sầm uất và hiện đại của Thủ đô, ẩn mình trong khuôn viên Trung tâm hội nghị Quốc gia rộng lớn lại có một ngôi miếu cổ kính với tên gọi miếu Đức Thánh Đầm (miếu Đầm). Nơi đây, gắn liền với đời sống tâm linh của người dân hai làng Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ, ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử và văn hóa đáng quý. Thế nhưng đối với phần đông du khách và người dân Thủ đô, sự hiện diện của ngôi miếu cổ này lại khá xa lạ.
Nằm nép mình giữa những công trình hiện đại, miếu Đức Thánh Đầm dường như bị che khuất bởi nhịp sống hối hả, ồn ào bên ngoài. Trước đây, khi chưa có Trung tâm hội nghị Quốc gia, miếu tọa lạc ở vị trí thoáng đãng, dễ dàng thu hút sự chú ý của người qua lại. Sau khi khu Trung tâm hội nghị được xây dựng với diện tích rộng lớn, miếu Đức Thánh Đầm như bị "lọt thỏm" giữa những công trình đồ sộ, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi tìm đến.
Về nguồn gốc của ngôi miếu, người ta kể rằng ngày xưa vùng đất Mễ Trì có nhiều đầm hồ, ngòi rạch, nhiều người sống bằng nghề đánh bắt cá. Có hai vợ chồng cũng làm nghề chài lưới, sống tu nhân tích đức, ăn ở hiền lành, thế mà tuổi đã cao trời vẫn chưa cho có một đứa con. Một lần, ông kéo vó trên đầm, kéo mãi mà không được con cá nào. Bỗng nhiên ông kéo được một quả trứng có màu sắc lung linh như ngọc. Ông liền đem về cho vào một cái chum lớn.
Sau hơn 20 ngày, trứng nở ra một con rắn màu trắng. Tuy là loài rắn nhưng lại rất hiền lành, ông bà quý con rắn như là con đẻ của mình. Khoảng 100 ngày sau, khi rắn đã lớn, một đêm mưa to gió lớn, sấm sét vang trời, rắn chui ra khỏi chum rồi trườn về phía đầm. Vợ chồng ông bà già chạy theo kêu van thảm thiết để rắn quay lại nhưng rắn cứ một mạch theo hướng đầm mà bò đi. Ông bà lão nhìn theo rồi suy nghĩ, có lẽ rắn là con vua Thủy Tề được Long Vương triệu về nên không ở lại.
Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, ông già ra đầm kéo vó. Đứng trên bờ đầm ông già khấn: "Rắn ơi, nếu là linh thần thì phù hộ cho già đánh được nhiều cá". Quả nhiên từ đó ông đánh được rất nhiều cá. Những người khác đến khấn cũng đánh bắt được nhiều cá. Cuộc sống của vợ chồng ông già và những người xung quanh từ nghèo túng đã trở nên khấm khá, sung túc.
Những người đánh cá trong làng sau đó đã dùng đất, gỗ xây thành một cái bệ cạnh bờ đầm để thờ cúng. Về sau dân làng mới biết, con rắn ấy là con thứ ba của vua Thủy Tề, do đó người dân gọi là cụ Hoàng Ba hay Đức Thánh Đầm.
Trải qua hàng trăm năm, ngày nay, miếu Đầm được bao bọc ba hướng bởi đầm nước trong xanh với các hành lang vây quanh. Dọc đường đi từ cổng vào là những hàng cây thẳng tắp, xanh tốt. Nhìn từ xa, khuôn viên miếu như một bán đảo, bên kia là các công trình hiện đại tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình.
Mặc dù gọi là miếu nhưng ở đây không có miếu thờ hay phòng thờ nào, các ban thờ đều được để lộ thiên, không có tượng hay Phật. Ban thờ chính nằm ở vị trí chính giữa khu đất, cạnh một cây si cổ thụ, thân rễ xù xì, hướng mặt ra hồ nước; cổng miếu được dựng lên bằng 4 cột bê tông; nền lát gạch…
Hằng năm, vào những ngày lễ và ngày Rằm, người dân làng Mễ Trì cùng du khách thập phương lại tìm về đây vãn cảnh, cầu công danh, bình an và mưa thuận gió hòa.