Hồ nước nằm cạnh con đường duy nhất được đặt tên bởi chính Bác Hồ, ven hồ là cả một rừng trúc như trong phim kiếm hiệp

06-06-2024 14:18|Quỳnh Châu

Từ một phần của hồ Tây rộng lớn, nơi đây đã trở thành một địa điểm riêng biệt, ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi vẻ đẹp và giá trị lịch sử của riêng mình.

Vùng đất ngàn năm văn hiến sở hữu nhiều hồ nước lớn gắn liền với những câu chuyện lịch sử và văn hóa, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt. Nổi tiếng nhất phải kể đến hồ Gươm cổ kính, hồ Tây thơ mộng hay hồ Trúc Bạch thanh bình... So với hồ Gươm, hồ Tây thì hồ Trúc Bạch được ít người biết đến hơn.

Hồ Trúc Bạch nhìn từ chùa Trấn Quốc. Ảnh: Báo Tin Tức

Hồ Trúc Bạch nhìn từ chùa Trấn Quốc. Ảnh: Báo Tin Tức

Hồ Trúc Bạch nằm bên đường Thanh Niên - con đường đẹp và đặc biệt bậc nhất Hà Nội, được đặt tên bởi chính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ nằm gần nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Châu Long... Với diện tích rộng 22ha và chu vi mặt hồ hơn 1,8km, hồ Trúc Bạch sở hữu vẻ đẹp thoáng đãng, mang đến cho du khách cảm giác thư thái, dễ chịu. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, từ một phần của hồ Tây rộng lớn, hồ Trúc Bạch ngày nay đã trở thành một địa điểm riêng biệt, ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi vẻ đẹp và giá trị lịch sử của riêng mình.

Đường Thanh Niên ngăn cách Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Ảnh: @flickr.com

Đường Thanh Niên ng ăn cách Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Ảnh: @flickr.com

Sử sách ghi chép, hồ Trúc Bạch vốn là một phần của hồ Tây, nằm ở phía Đông Nam nhưng sau này được người dân đắp đê chặn lại để tiện cho việc đánh bắt và nuôi cá. Khi mới được ngăn ra, hồ Trúc Bạch vẫn chưa có tên riêng. Gần hồ có làng Trúc Yên (còn gọi là Trúc Lâm) là nơi trồng nhiều trúc.

Vào thế kỷ XVIII, chúa Trịnh Giang cho xây cung điện cạnh hồ để tiện nghỉ mát và đặt tên là Trúc Lâm. Sau này, cung điện Trúc Lâm trở thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội. Ở đây, họ phải tự dệt lụa để nuôi sống bản thân. Lụa họ dệt ra rất đẹp, nổi tiếng khắp vùng và được gọi là lụa trúc (tiếng Hán là Trúc Bạch). Từ đó, ngôi làng chuyên dệt lụa được gọi là làng Trúc và hồ cũng có tên là hồ Trúc Bạch; con đê được gọi là Cố Ngự (nghĩa là giữ vững), hiện nay đường Thanh Niên.

Dù có diện tích không quá lớn nhưng hồ Trúc Bạch cũng sở hữu đến 2 hòn đảo độc đáo là đảo Châu Chử và Ngũ Xã. Đảo Châu Chử mặc dù nhỏ bé, lại mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc. Trên đảo có miếu Cẩu Nhi (hiện được đổi tên thành Thủy Trung Tiên - có nghĩa là tiên trong nước), nơi vẫn giữ nguyên tục thờ thần chó (có từ thời Lý Công Uẩn) và thờ Mẫu, tạo nên một không gian linh thiêng và lưu giữ những truyền thống từ lâu đời.

Hai hòn đảo nhỏ giữa hồ Trúc Bạch. Ảnh: Mia

Hai hòn đảo nhỏ giữa hồ Trúc Bạch. Ảnh: Mia

Nằm ở vị trí xa hơn, đảo Ngũ Xã ẩn mình như một chốn bình yên tách biệt với thế giới ồn ào. Nơi đây từng vang danh với nghề đúc đồng truyền thống, hiện đảo được bao phủ bởi tán cây xanh rì rào, mang đến bầu không khí trong lành và tươi mát. Du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền đạp vịt trên hồ và ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ của hòn đảo này.

Để tạo thêm cảnh quanh ven hồ Trúc Bạch, cuối năm 2023, xung quanh hồ được trồng hơn 7.500 cây trúc được trồng trên thửa đất 1.000m2. Sau nửa năm, rừng trúc đã trở nên tươi tốt, đầy sức sống; những gióng trúc thẳng tắp vươn lên gợi nhớ đến hình ảnh rừng trúc trong các bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc...

Rừng trúc ven hồ Trúc Bạch. Ảnh: Báo Lao động Thủ đô

Rừng trúc ven hồ Trúc Bạch. Ảnh: Báo Lao động Thủ đô

Không thâm trầm, cổ kính và huyền bí như Hồ Gươm, cũng không lãng đãng mộng mơ như hồ Tây, hồ Trúc Bạch mang một vẻ đẹp bình dị, rất đời. Bờ hồ được kè đá và vỉa hè lát gạch sỏi, những bồn hoa trồng xung quanh cùng hàng liễu dọc lối đi tạo nên một khung cảnh bình yên, “nồng nàn Hà Nội”. Với không khí trong lành, không gian mát mẻ và yên bình, đây xứng đáng là địa điểm nghỉ chân lý tưởng cho mọi du khách dịp cuối tuần.

>> Chiêm ngưỡng rừng trúc thu nhỏ nằm giữa lòng Hà Nội với hàng nghìn cây trúc cao 3-5m trồng xen kẽ nhau

Hòn đảo miền Trung được hình thành do phun trào núi lửa, chỉ cách bờ khoảng 400m, nuôi dưỡng nhiều rạn san hô quý hiếm ở Việt Nam

Hồ nhân tạo lớn thứ hai cả nước được ví như 'vịnh Hạ Long trên núi' chuẩn bị được quy hoạch thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, chỉ cách Hà Nội 140km

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ho-nuoc-nam-canh-con-duong-duy-nhat-duoc-dat-ten-boi-chinh-bac-ho-ven-ho-la-ca-mot-rung-truc-nhu-trong-phim-kiem-hiep-d124464.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hồ nước nằm cạnh con đường duy nhất được đặt tên bởi chính Bác Hồ, ven hồ là cả một rừng trúc như trong phim kiếm hiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH