Vĩ mô

Người dân Thụy Sĩ ưa chuộng thủy sản của Việt Nam

Phan Trang 16/01/2024 - 20:27

Việt Nam luôn nằm trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Thụy Sĩ. Đối với nhóm hàng thủy sản (mã HS03), Việt Nam nằm trong TOP4 thị trường nhập khẩu lớn nhất, sau Na Uy, Pháp và Hà Lan. Còn với nhóm hàng động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản (mã HS 1605) Việt Nam luôn là thị trường nhập khẩu hàng đầu.

Người dân Thụy Sĩ ưa chuộng thủy sản của Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Martin Candinas, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Liên bang Thụy Sĩ trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày 30/6/2023 tại trụ sở Bộ Công Thương - Ảnh: MOIT

Thụy Sĩ là một trong những nước Tây Âu đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1971. Kể từ đó đến nay, hai nước thường xuyên duy trì các chuyến thăm trao đổi đoàn các cấp, không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác.

Năm 2019, trao đổi thương mại giữa hai bên đã đạt con số kỷ lục là 2,8 tỷ USD; 140 doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sĩ đã có mặt tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 2 tỷ USD. Thời điểm đó, Thụy Sĩ đã vươn lên đứng thứ 6 ở khu vực châu Âu đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, với sự ủng hộ nhiệt thành của Thụy Sĩ, năm 2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được hai bên thông qua, chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020, tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU nói chung cũng như giữa Việt Nam và Thụy Sĩ nói riêng.

Xuất khẩu của Thụy Sĩ sang Việt Nam đạt tổng trị giá 622,5 triệu USD năm 2022. Nổi tiếng về sản xuất thiết bị có chất lượng cao, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Thụy Sĩ sang Việt Nam là máy móc, thiết bị, công cụ và dụng cụ.

Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 183,7 triệu USD sang Thụy Sĩ trong năm 2022. Bên cạnh các mặt hàng chủ lực như sản phẩm hàng công nghiệp chế tạo và vật liệu xây dựng, thực phẩm cũng là mặt hàng nổi bật.

Người dân Thụy Sĩ ưa chuộng thủy sản của Việt Nam- Ảnh 2.

Nhóm hàng động vật giáp xác, động vật thân mềm (tôm) đã chế biến hoặc bảo quản (mã HS 1605) Việt Nam luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Thụy Sĩ. Ảnh minh họa

Thuỵ Sĩ ưa chuộng hàng thuỷ sản Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ cho biết, là một nước không có biển, Thụy Sĩ phải nhập khẩu hầu như toàn bộ lượng thủy sản hàng năm.

Mỗi năm thị trường Thụy Sĩ tiêu thụ khoảng 75.000-80.000 tấn thủy sản các loại, kể cả tươi sống, đông lạnh và chế biến. Bình quân tiêu thụ thủy sản khoảng 8,5-9 kg/người/năm. Trong đó, Thuỵ Sĩ chỉ nuôi trồng và chế biến khoảng trên 3.000 tấn thủy sản các loại, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu, tập trung vào nhóm sản phẩm chính gồm: thuỷ sản, cá đã chế biến hoặc bảo quản, trứng cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản.

Những năm gần đây, theo ông Nguyễn Đức Thương, Việt Nam luôn nằm trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Thụy Sĩ. Đối với nhóm hàng thủy sản (mã HS03), Việt Nam nằm trong TOP4 thị trường nhập khẩu lớn nhất, sau Na Uy, Pháp và Hà Lan.

Đối với nhóm hàng cá đã chế biến hoặc bảo quản, trứng cá (mã HS 1604), Việt Nam cũng thường nằm trong TOP10. Còn đối với nhóm hàng động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản (mã HS 1605) Việt Nam luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Thụy Sĩ.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ, hiện cơ chế quản lý nhập khẩu cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng thủy sản nhập khẩu của Thụy Sỹ tương đồng với những quy định của EU. Nhập khẩu các mặt hàng thủy sản không bị áp dụng hạn ngạch, thuế nhập khẩu phần lớn các loại thủy sản và sản phẩm thủy sản của Thụy Sĩ là 0%.

Tuy nhiên, cũng như EU, Thụy Sĩ cho rằng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một vấn đề toàn cầu đe dọa hệ sinh thái biển và hoạt động đánh bắt bền vững. Việc đánh bắt cá IUU gây nguy hiểm cho an ninh lương thực, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, gây bất lợi và thiệt hại cho những người đánh bắt cá hợp pháp.

Đáng lưu ý thêm, tại Thụy Sĩ, Pháp lệnh kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm thủy sản biển nhập khẩu (Pháp lệnh IUU) có hiệu lực pháp lý kể từ ngày 1/3/2017. Pháp lệnh quy định rằng các sản phẩm thủy sản chỉ có thể được nhập khẩu nếu có giấy chứng nhận khai thác hợp lệ, chứng nhận nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm (trừ 35 nước trong Phụ lục 2, bao gồm 27 nước EU, Na Uy, Iceland, Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Nhận định về triển vọng xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Thụy Sĩ, ông Thương cho hay, năm 2024. dự kiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Thuỵ Sĩ sẽ tăng 4,6% và xu hướng tiêu thụ tăng dần với sản phẩm hữu cơ. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho thuỷ sản chế biến, xuất khẩu sản phẩm thuỷ sản hữu cơ nhằm nắm bắt cơ hội tiêu dùng này của Thuỵ Sĩ, đồng thời đẩy mạnh liên kết xuất khẩu để duy trì đối tác kinh doanh.

Người dân Thụy Sĩ ưa chuộng thủy sản của Việt Nam- Ảnh 6.

Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp của Thụy Sĩ sẽ làm cho sản phẩm của Việt Nam bình đẳng với tất cả các nước khác. Ảnh minh họa

Bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp

Mới đây, ngày 3/1/2024, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ cho biết, từ 01/01/2024 các sản phẩm công nghiệp chính thức được miễn thuế nhập khẩu vào Thụy Sĩ, cho dù có nguồn gốc xuất xứ từ bất kỳ nước nào. Đây là một chính sách thương mại quan trọng, được nước này triển khai sau nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị.

Cụ thể, các sản phẩm công nghiệp bao gồm các sản phẩm trung gian đầu vào cho quá trình sản xuất như: hàng hóa vốn, nguyên vật liệu, bán thành phẩm, máy móc thiết bị, muối và muối công nghiệp, cũng như hàng tiêu dùng như xe các loại, đồ gia dụng, quần áo, giày dép... nằm trong các chương từ 25-97 của biểu mã HS (ngoại trừ một số sản phẩm thuộc chương 35 và 38 cũng được coi là hàng nông sản)... sẽ được miễn thuế nhập khẩu

Các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm động thực vật sống, thực phẩm, nông sản chế biến, hạt giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản... không được coi là sản phẩm công nghiệp nên vẫn áp thuế nhập khẩu.

Đánh giá về ảnh hưởng của chính sách này đối với hàng hóa Việt Nam, dẫn số liệu của Hải quan Thụy Sĩ, Thương vụ Việt Nam tại nước này cho biết, hàng công nghiệp bình quân cũng chiếm khoảng 90-93% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm của nước này từ Việt Nam. Nhiều mặt hàng trong số này được hưởng ưu đãi thuế GSP của Thụy Sĩ.

Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp của Thụy Sĩ sẽ làm cho sản phẩm của Việt Nam bình đẳng với tất cả các nước. Đặc biệt, đối với một số sản phẩm như dệt may, da giày... hàng Việt Nam sẽ được hưởng lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh đến từ nhiều thị trường khác.

Thuỵ Sĩ coi Việt Nam là đối tác chiến lược trong hợp tác kinh tế

Đây là khẳng định của ông Martin Candinas, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ trong buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ngày 30/6/2023 tại trụ sở Bộ Công Thương.

Ông Martin Candinas khẳng định, Thụy Sỹ luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đang nỗ lực hướng tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA - bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ cùng chia sẻ quan điểm cho rằng việc quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư đã phát triển tốt đẹp trong thời gian vừa qua nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng và hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa.

Việc ký kết Hiệp định FTA mà các bên tham gia đã khởi động đàm phán từ hơn 10 năm nay sẽ là tiền đề và là công cụ hiệu quả để cộng đồng doanh nghiệp tận dụng cơ hội hợp tác phát triển, thúc đẩy dòng chảy thương mại hàng hóa và dòng vốn đầu tư giữa hai bên.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ ủng hộ, hỗ trợ những nỗ lực thu hút đầu tư chất lượng cao của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp mà Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Hiệp hội Mậu dịch châu Âu (EFTA), đây là một tổ chức liên Chính phủ được thành lập để thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế vì lợi ích của 4 quốc gia thành viên, gồm: Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. 4 nước này không nằm trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA).

Đồng thời, Bộ trưởng cũng mong phía Thụy Sĩ với ưu thế và kinh nghiệm trong các ngành tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ cao sẽ tăng cường đầu tư vào các dự án công nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, quản trị hiện đại giúp kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; hỗ trợ phát triển những ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam như công nghiệp vật liệu, hóa chất, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; tạo điều kiện hoặc thúc đẩy đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam vào những ngành này đi kèm cùng quá trình đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Bên cạnh đó tạo điều kiện hoặc thúc đẩy đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam vào những ngành này đi kèm cùng quá trình đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu, khẳng định quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định FTA giữa Việt Nam và khối EFTA, tạo bước phát triển vượt bậc trong quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước.

>> [Infographics] Việt Nam xuất siêu 15,23 tỷ USD sau 7 tháng đầu năm

BIDV đấu giá khoản nợ một công ty thuỷ sản, tài sản đảm bảo có cả nhà, đất và dự án

Một doanh nghiệp thủy sản báo lỗ quý IV/2023 kéo lợi nhuận cả năm chỉ hoàn thành 8% kế hoạch

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nguoi-dan-thuy-si-ua-chuong-thuy-san-cua-viet-nam-102240116171149915.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người dân Thụy Sĩ ưa chuộng thủy sản của Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH