Người trong vùng lũ tương trợ nhau: “Chúng tôi còn giúp nữa”
Ở trong vùng lũ, chị Nguyễn Thị Hạnh (Thái Nguyên) thấm thía về tình đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Anh Nguyễn Xuân Hoạt (Hà Nội) thì khẳng định: “Chúng tôi sẽ còn đi hỗ trợ nữa”.
“Chúng tôi còn đi nữa”
10 giờ khuya này 11/9, anh Nguyễn Xuân Hoạt trở về nhà sau một ngày bôn ba lên Lào Cai. Anh và các thành viên khác trong câu lạc bộ Xe bán tải Đông Anh (Hà Nội) vừa tình nguyện chở hàng cứu trợ cho bà con ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi có ngôi làng bị lũ quét vùi lấp.
Anh Hoạt cho biết, chuyến hàng cứu trợ này do một nữ diễn viên phát tâm thực hiện, bao gồm lương thực, nước uống, men tiêu hóa, áo mưa, đèn pin… Ngay trong ngày nhận được kết nối, buổi tối, 11 chiếc xe bán tải của câu lạc bộ đã được xếp đầy hàng hóa để kịp khởi hành vào 4g30 sáng ngày 11/9.
Nhờ có đường cao tốc, thời gian từ Hà Nội lên Lào Cai vốn dĩ đã được rút ngắn còn khoảng 4-5 giờ. Tuy nhiên, chuyến đi cứu trợ của đoàn từ thiện đợt này bị chậm lại vì thỉnh thoảng gặp điểm sạt lở. Mỗi lần gặp chướng ngại vật, họ dừng xe chờ đường được dọn dẹp.
Thành viên câu lạc bộ tự tin nói: “Câu lạc bộ của chúng tôi có hơn 50 xe, đã hoạt động nhiều năm, có kinh nghiệm đi đường dài và tham gia cứu trợ trong các mùa bão lũ ở miền Trung hay mùa dịch Covid-19, mọi người đều đã quen cách thức làm việc nên không sợ hãi hay lo lắng gì”.
Sáng ngày 11/9, đoàn của anh mang theo hành trang dọc đường là 44 chiếc bánh mì và 4kg giò, nước uống. Tiền xăng xe do các thành viên tự túc. Khó khăn lớn nhất của họ suốt hành trình có lẽ là áp lực trước sự lo lắng của người thân. Chị Nguyễn Thị Yên, vợ anh Hoạt rất ủng chồng làm thiện nguyện, nhưng thỉnh thoảng đoàn cứu trợ đi vào vùng không có sóng điện thoại, không liên lạc được với chồng khiến chị vô cùng lo lắng.
Chuyến đi Lào Cai vừa rồi, đoàn xe của anh Hoạt khá may mắn, bởi chỉ khoảng 2 giờ sau khi họ rời khỏi, ở Lào Cai lại tiếp tục bị sạt lở. Nếu chậm trễ hơn, có thể họ đã phải rời ngày về.
Chứng kiến sự mất mát, tổn thất to lớn mà đồng bào gặp phải, anh Hoạt và các thành viên trong câu lạc bộ quyết định sẽ tiếp tục công việc tình nguyện. Trước mắt, ngay tại huyện Đông Anh cũng đã có những điểm ngập, họ luôn sẵn sàng để hỗ trợ người dân, sau đó là những chuyến đi cứu trợ liên tỉnh.
“Đồng bào mình đoàn kết thật!”
Ở TP. Thái Nguyên, chị Nguyễn Thị Hạnh lần đầu tiên chứng kiến trận lụt lớn đến thế. Hầu hết người dân không kịp phòng bị, nhất là những hộ ở 2 bên sông Cầu, hoa màu bị ngập, hư hại. Chị Hạnh vẫn luôn cảnh giác, theo dõi tình hình thời tiết. Chị lo cuộc sống bị đảo lộn bởi các con còn quá nhỏ.
“Từ lúc có bão tôi đã tích trữ thực phẩm, nước uống, sạc pin dự phòng. May mắn nhà tôi cao nên không ngập nhưng bà con thì rất nhiều người trắng tay sau đợt lũ”, chị tâm sự.
Mỗi khi chứng kiến bà con quê mình bị bão lũ tàn phá, chị Hạnh cũng giống như hàng triệu trái tim Việt Nam, đau đớn vô cùng. Bản thân được an toàn, chị cảm thấy đã may mắn hơn rất nhiều người, vì vậy vợ chồng chị đã ủng hộ vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị tiếp tục hỗ trợ mua nhu yếu phẩm để tặng cho người dân đang gặp khó khăn.
Cũng ở trong cảnh bão lũ, chị thấm thía về tình đoàn kết, mọi người đùm bọc hỗ trợ lẫn nhau, chính quyền cũng quan tâm, hỗ trợ người dân hết lòng.
Trong bài viết chia sẻ trên mạng xã hội, chị bày tỏ: “Tôi thay mặt bà con cảm ơn mọi người vì đã ủng hộ cho đồng bào mình. Ít hay nhiều đều đáng quý, chúng ta góp gió thành bão. Tôi sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ bà con trong khả năng của mình”.
Sắp tới sau bão, người dân lại gồng dậy để lo kiến thiết, sản xuất. Trong đó, có những người đã mất trắng mọi thứ, họ sẽ cần nhiều bàn tay nâng đỡ để trở về như lúc đầu, cũng có những người phải chịu nỗi đau chia ly mà không biết lấy gì để vun đắp…
>>Con số đau thương: 336 người chết, mất tích vì mưa lũ và bão số 3
Ảnh hưởng của bão Yagi tàn phá nhiều khu vực ở Trung Quốc, Lào và Thái Lan
Gần một tuần sau bão Yagi, đường phố Hà Nội vẫn ngổn ngang cây đổ