Người vi phạm giao thông đường bộ có thể chịu mức phạt hành chính tối đa lên đến 150 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, dự kiến được xem xét tại kỳ họp thứ 9 tới đây. Dự luật đề xuất nhiều thay đổi đáng chú ý, đặc biệt là việc tăng mức phạt tiền tối đa trong nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường tính răn đe và phòng ngừa vi phạm.
Dự thảo đưa ra phương án nâng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, an ninh trật tự, giao thông đường bộ, đê điều, phòng chống thiên tai, an ninh mạng và an toàn thông tin mạng.
Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định xử phạt trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh với mức phạt tối đa lên tới 30 triệu đồng. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ số cũng được đưa vào diện xử phạt với mức phạt cao nhất có thể lên đến 200 triệu đồng.

Trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội, mức phạt tối đa được đề xuất tăng lên 75 triệu đồng. Đối với giao thông đường bộ, mức phạt cao nhất dự kiến tăng gấp đôi, từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng. Lĩnh vực đê điều cũng được đề xuất nâng mức phạt từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng, trong khi quản lý giá và nhà ở tăng từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng.
Đặc biệt, các vi phạm liên quan đến phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ sẽ chịu mức phạt tối đa lên tới 200 triệu đồng, gấp bốn lần so với quy định hiện hành là 50 triệu đồng.
Một số lĩnh vực khác như xây dựng, lâm nghiệp, đất đai, thị trường bất động sản và quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo được đề xuất mức phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng. Thậm chí, các lĩnh vực như quản lý vùng biển, đảo, thềm lục địa, năng lượng nguyên tử, ngân hàng, tín dụng, dầu khí, thủy sản và bảo vệ môi trường có thể chịu mức phạt cao nhất lên tới 1 tỷ đồng.

Chính phủ nhấn mạnh rằng các đề xuất này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về tăng cường quản lý nhà nước trong những lĩnh vực đang tồn tại nhiều vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đồng thời, các mức phạt được điều chỉnh để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn, tránh tạo áp lực quá lớn đối với người vi phạm, nhưng vẫn đủ sức răn đe, góp phần bảo vệ an toàn và trật tự xã hội.
>> Hà Nội tăng mức phạt gấp 2 lần đối với vi phạm bảo vệ môi trường và đất đai