Thị trường bất động sản đang rơi vào “cơn choáng” và có thể sẽ “tắc” thanh khoản trên diện rộng do tín dụng kèm loạt chính sách liên quan bị siết chặt.
Từ đầu tháng 4 đến nay, phân khúc đất vườn, đất rẫy tại thị trường Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu giảm nhiệt mạnh. Do “mắc cạn”, lượt người bán tăng cao nhưng số người mua lại rất ít. Mặc dù vậy, giá được rao bán vẫn neo ở mức cao.
Theo chia sẻ của một môi giới lâu năm của khu vực, phần lớn sản phẩm bất động sản rơi vào tình trạng “đứng hình” như hiện nay chủ yếu là đất vườn, đất rẫy hoặc đất chưa hoàn thiện pháp lý, không có khả năng khai thác, sử dụng. Với những người mua bằng tiền nhàn rỗi thì họ cứ để đó, còn người phải vay mượn để đầu tư chắc chắn sắp tới sẽ gặp khó khăn vì bị kẹt hàng.
Ngay cả thị trường có nhu cầu thật về nhà ở như TP. HCM, Bình Dương cũng bắt đầu “ngấm đòn” từ động thái siết tín dụng. So với cách đây vài tháng, thị trường bất động sản tại các tỉnh phía Nam không còn cảnh tấp nập, sôi động. Tình trạng nhà nhà, người người đổ xô tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản, đến đâu cũng nghe bàn chuyện đất đai đã không còn, thay vào đó là tâm lý thăm dò, phòng thủ ngày càng dâng cao. Dù chưa diễn ra tình trạng bán tháo, nhưng sự lệch pha cung - cầu xuất hiện, người bán thì nhiều, còn người mua dần vắng bóng.
Trong khi đó, từ đầu năm 2022 đến nay, các dự án mở bán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này khiến cho lượng cung hàng hóa trên thị trường khan hiếm trầm trọng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land bày tỏ lo ngại, thị trường bất động sản nếu bị siết chặt nguồn vốn sẽ có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền.
Bà Hương cho rằng việc kiểm soát vốn vay vào bất động sản để điều tiết thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ là đúng đắn, song phải có lộ trình và chọn lọc kỹ lưỡng, còn nếu áp dụng đồng loạt thì nguy cơ thị trường bị tắc trên diện rộng.
Hiện nay, không chỉ người mua nhà mà cả doanh nghiệp ngành địa ốc cũng đều đang gặp khó. Sự trở ngại trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư dự án khiến số lượng dự án sắp hoàn thành hoặc muốn phát triển thêm khó thực hiện, từ đó, lượng nhà ở đưa ra thị trường cho người dân càng chậm hơn, giá cao hơn, cơ hội tạo lập chỗ ở của người dân càng xa vời. Chưa kể, dự án đình trệ kéo theo hàng trăm doanh nghiệp môi giới, công ty xây dựng và nhiều ngành nghề khác “đứng hình” theo.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) chia sẻ, kiểm soát dòng vốn để hạn chế rủi ro là đúng, nhưng không thể ngừng cho vay đối với doanh nghiệp. Ngân hàng cần có “bộ lọc” và xem xét giải ngân đối với những doanh nghiệp uy tín, có dự án khả thi.
Còn Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh thì nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, có khả năng tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sớm có sản phẩm bất động sản đưa ra thị trường trong một thời gian phù hợp. Đặc biệt, cần quan tâm cung cấp vốn tín dụng cho các dự án đang trong quá trình thực thi và chuẩn bị đưa sản phẩm bất động sản cung cấp cho thị trường.
Theo chuyên gia, đây là điều cần thiết và quan trọng, bởi nếu nguồn cung hàng hóa bất động sản không đáp ứng được sự tăng lên của nhu cầu sẽ đẩy giá bất động sản tăng lên và tạo ra rất nhiều hệ lụy. Vì vậy, thị trường bất động sản vẫn cần được cung cấp nguồn vốn vay, nhưng có sự chọn lọc phù hợp.