Nguyên Phó Thủ tướng và hai cựu bộ trưởng không bị xử lý hình sự trong vụ EVN thiệt hại hơn nghìn tỷ đồng
Theo Viện kiểm sát, nguyên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và 27 quan chức thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, không có động cơ vụ lợi để tạo điều kiện không chính đáng cho doanh nghiệp nên không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Cựu Thứ trưởng không thừa nhận việc nhận tiền
Như Tiền Phong đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa có cáo trạng truy tố 12 bị can trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố.
Trong đó, 9 bị can bị truy tố, gồm: Hoàng Quốc Vượng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cựu Thứ trưởng Công Thương; Phương Hoàng Kim, cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; Nguyễn Danh Sơn, cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện, EVN; Nguyễn Hữu Khải, cựu Trưởng Phòng kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện, EVN; Đỗ Ngọc Tuyền, cựu chuyên viên Phòng Kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện, EVN; Trương Hoàng Dũng, cựu chuyên viên Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, Công ty Mua bán điện, EVN; Trần Quốc Hùng, cựu phó trưởng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương; Trịnh Văn Đoàn, cựu chuyên viên phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương; Phan Văn Sang, cựu công chức Phòng Thanh tra kiểm tra 3, Cục Thuế tỉnh Bình Phước bị truy tố nhóm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
3 bị can bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Nguyễn Duy Khánh, cựu Cục phó Cục Thuế tỉnh Bình Phước; Trần Văn Định, cựu Trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Bình Phước; Phạm Quang Vinh, cựu Phó phòng Thanh tra - kiểm tra 1, Cục thuế tỉnh Bình Phước.
Cả 12 bị can sẽ bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nộixét xử trong thời gian tới; Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phân công Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Trong vụ án, ông Hoàng Quốc Vượng bị cáo buộc trong thời gian làm Thứ trưởng Công Thương được giao phụ trách Cục điện lực và Năng lượng tái tạo vì động cơ vụ lợi cố ý chỉ đạo Cục điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo theo hướng mở rộng diện được hưởng giá điện ưu đãi.
Cựu Thứ trưởng cũng đề xuất cho dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được phê duyệt bổ sung quy hoạch, xin cơ chế giá 9,35 UScents/kWh cho dự án. Hành vi này dẫn đến gây thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực (EVN) tổng số tiền hơn 1.043 tỷ đồng
Đổi lại, ông Vượng đã được ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Nam - Thuận Nam và nhân viên nhiều lần gặp mặt để đưa tiền. Trong đó có 6 lần, mỗi lần 100 triệu đồng và một lần 200 triệu. Sau khi dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam đưa vào vận hành thương mại, ông Thịnh và một người khác đến gặp gửi ông Vượng 500 triệu đồng để chúc mừng chuyển công tác. Năm 2018, khi ông Vượng chủ trì đoàn kiểm tra tiến độ các dự án quy hoạch điện VII điều chỉnh, ông Thịnh đưa thêm 200 triệu đồng.
Như vậy, toàn vụ án ông Vượng đã nhận của Công ty Trung Nam - Thuận An 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình điều tra ông Vượng lại không thừa nhận việc nhận tiền.
Nguyên Phó Thủ tướng và nhiều cựu quan chức không bị xử lý hình sự
Theo Viện kiểm sát, trong vụ án này có trách nhiệm của các ông Trần Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2016 - 2021 và ông Trịnh Đình Dũng, nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan truy tố xác định ông Trần Tuấn Anh và ông Trịnh Đình Dũng không được báo cáo nội dung trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan tố tụng cũng cho biết không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Trần Tuấn Anh và ông Trịnh Đình Dũng có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác tạo điều kiện không chính đáng cho doanh nghiệp.
Do đó, cơ quan tố tụng không xem xét xử lý đối với ông Trần Tuấn Anh và ông Trịnh Đình Dũng.
![]() |
Cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong một phiên tòa. |
Quan điểm trên của Viện kiểm sát trùng với ý kiến của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an. Tại kết luận trước đó, Cơ quan An ninh điều tra xác định ông Trần Tuấn Anh ký 6 Tờ trình, Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Quyết định này trái với Nghị quyết 115 của Chính phủ được ban hành trước.
Khi ký các tờ trình, báo cáo, ông Trần Tuấn Anh không biết việc bị can Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo điều chỉnh mở rộng diện đối tượng trái với Nghị quyết số 115. Ngoài ra, kết quả điều tra không có tài liệu, chứng cứ thể hiện cựu Bộ trưởng có động cơ vụ lợi nên Cơ quan An ninh điều tra không xem xét xử lý hình sự đối với ông Trần Tuấn Anh.
Quá trình điều tra các cơ quan truy tố cho biết, có 15 cán bộ tại Bộ Công Thương; 5 người tại Bộ Tư pháp; 7 người tại Văn phòng Chính phủ. Các cán bộ này, gồm: Ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Cao Lục, nguyên Phó Chủ nhiệm; ông Nguyễn Ngọc Điệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp; ông Nguyễn Vũ Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp; ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Phó Chủ nhiệm; ông Bùi Tất Hợp và ông Nguyễn Hồng Hà, cùng là Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp... liên quan đến việc thẩm tra dự thảo Quyết định số 13.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, những người trên là thành viên nêu trên chỉ vi phạm trong thực hiện quy trình, thủ tục. Kết quả điều tra cho thấy họ không nhận tiền, lợi ích vật chất để tạo điều kiện không chính đáng cho doanh nghiệp nên không bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Tháng 1/2025, ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Mai Tiến Dũng bị cáo buộc “bút phê” vào đơn thư của đại gia Nguyễn Cao Trí, tạo điều kiện cho vị đại gia này “đảo chiều” kết luận của Thanh tra Chính phủ, dẫn đến Dự án Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng dù vướng nhiều sai phạm, chậm tiến độ mà không bị thu hồi.
>> EVN ra chỉ đạo mới gỡ vướng cho siêu dự án điện LNG 1,4 tỷ USD