Thị trường chứng khoán những tháng đầu 2022 ghi nhận việc chỉ số VN-Index liên tục biến động mạnh vùng 1.430 - 1.530 điểm. Điều này vô tình khiến một bộ phận nhà đầu tư trader không đủ lãi để bù phí giao dịch.
Thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng đầu năm 2022 đang ghi nhận việc chỉ số VN-Index liên tục biến động mạnh vùng 1.430 - 1.530 điểm.
Bày tỏ quan điểm về việc tâm lý của nhà đầu tư đang rất thận trọng bởi nhiều thông tin sự vụ và tin đồn, bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã duy trì đà tăng tích cực trong những tháng đầu năm 2022. Chỉ số VN-Index tăng tốt và thiết lập định mới tại 1.528,48 điểm.
Tuy nhiên, từ tháng 3 tới nay, thị trường đang có nhịp điều chỉnh, đi ngang và giảm nhẹ trong bối cảnh các yếu tố rủi ro từ ngoại biên tác động như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất hay xung đột bất ngờ nổ ra ở Nga – Ukraine. Những yếu tố ngoại biên đã khiến áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt là sức ép giá cả nguyên vật liệu đầu vào đã tác động tới triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam là không ngoại lệ dù được đánh giá không quá lớn.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán trong nước cũng chịu tác động một phần từ các thông tin sự vụ tại một số doanh nghiệp cụ thể hay một số tin đồn, tin bất lợi trên thị trường bất động sản,… khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân thận trọng và gia tăng hoạt động chốt lời.
Những tín hiệu về khả năng ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát và căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu. Nhiều thị trường chứng khoán châu Âu, Mỹ và một số thị trường châu Á cũng biến động mạnh và theo chiều hướng giảm.
Tính trong quý I/2022, chỉ số VN-Index giảm -0,4% trong khi giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 1,6 lần so với cùng kỳ 2021.
Việc thị trường liên tục gặp khó tại các vùng quanh mốc 1.500 điểm trong thời gian gần đây đã khiến một bộ phận nhà đầu tư trader không còn đủ lãi để bù cho phí giao dịch.
Chia sẻ trong trong Chương trình "Bí mật đồng tiền" mới đây, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, những nhà đầu tư có thói quen giao dịch margin 1:1 với cường độ liên tục sẽ tốn mức phí khá cao; cuối năm nhìn sao kê giao dịch được công ty chứng khoán gửi sẽ cảm thấy khá "đau lòng".
"Nếu kiếm được lãi nhiều thì điều đó sẽ không là vấn đề gì lớn, song nếu đầu tư không thành công, chỉ hòa vốn hay lãi nhẹ thì sẽ nhận ra con số phí đó là khá lớn", vị chuyên gia này chia sẻ.
Thực tế, trading liên tục nhiều khi chỉ khiến nhà đầu tư cảm thấy "sướng" nhưng lại không dẫn tới một thành quả nào, thậm chí chốt lãi liên tục nhưng tổng tài sản vẫn giữ nguyên hay sụt giảm.
Theo ước tính, một trader giao dịch liên tục trong một năm sẽ tốn khoảng 15 - 20% vốn cho phí giao dịch, margin – cao hơn cả mức tăng trưởng của VN-Index. Do đó, việc tính toán phần trăm chi phí giao dịch cần được chú ý hơn và nên được thêm vào công thức tính của nhà đầu tư trước mỗi quyết định mua bán cổ phiếu.
Chia sẻ về công thức tính nếu muốn trading trên thị trường chứng khoán hiện nay, ông Hoàng Thanh Tùng - CIO CTCP Đầu tư FINPROS nhấn mạnh: "Nếu nhà đầu tư cá nhân không có lợi thế rõ ràng, sẽ khá khó khăn khi tham gia trading trên thị trường, không những không thể thắng mà sẽ còn phải trả một khoản phí lớn".
Một quy tắc được xem là quan trọng nhất khi trading là "phòng thủ thật giỏi và không phải tấn công giỏi"; nhà đầu tư không nên để thua lỗ nhiều quá, nếu lỗ thì cần cắt lỗ nhanh chóng. Không bàn tới việc đầu tư theo trường phái dài hạn, nếu quyết định đưa ra chỉ là "lướt sóng" ngắn hạn thì đã sai cần phải cắt ngay lập tức.