Nhà cung cấp viễn thông này mong muốn ươm tạo hệ sinh thái 5G, kiếm tiền từ 5G sau khi xây dựng mạng lưới 5G tại Việt Nam.
Trong cuộc gặp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng với ông lâm Bách Long - Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Chủ tịch Huawei châu Á – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết năm 2024 là năm Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G trên quy mô toàn quốc. So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam chậm hơn nhưng đây cũng là một lợi thế khi có thể học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Bên cạnh đó, giá thiết bị cũng rẻ hơn so với cách đây 4 năm nhưng vẫn được kiểm chuẩn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh mạng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ Huawei hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực ICT với các trường đại học ở Việt Nam, trong đó có Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), đại học hàng đầu của Việt Nam về đào tạo nhân lực ICT. Huawei cũng có thể hợp tác với PTIT triển khai hợp tác trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) 5G để sinh viên có thể tiếp cận với công nghệ 5G sớm nhất.
Phía Huawei cũng bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam thương mại hóa 5G với việc tổ chức các hội thảo, workshop để chia sẻ kinh nghiệm từ các bài học thành công khi triển khai 5G trên toàn cầu. Tập đoàn cũng sẽ kết nối với các nhà mạng trên khắp thế giới để chia sẻ với Việt Nam.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Huawei đề xuất xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo 5G tại Việt Nam, giới thiệu tiêu chuẩn kiểm thử 5G và phòng lab, hỗ trợ đào tạo nhân lực số. Mục tiêu của Trung tâm Đổi mới sáng tạo là ươm tạo hệ sinh thái 5G, kiếm tiền từ 5G sau khi xây dựng mạng lưới 5G, hỗ trợ cuộc sống của người dân. Phía tập đoàn này mong muốn mang kinh nghiệm xây dựng 5G trên toàn cầu đến Việt Nam nhằm xây dựng mạng lưới 5G tốt nhất trong thời gian ngắn nhất.
Huawei bày tỏ mong muốn sẵn sàng đồng hành, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ số dài hạn, triển khai trung tâm đổi mới sáng tạo phát triển hệ sinh thái 5G, ứng dụng 5G để tăng doanh thu, triển khai hạ tầng xanh, trao đổi các thông tin về nghiên cứu 6G.
Huawei là tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông, có trụ sở chính tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc.
Năm 2012, Huawei trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất Trung Quốc. Với 3.442 bằng sáng chế, Huawei trở thành công ty nộp đơn đăng ký bằng sáng chế quốc tế số 1 thế giới vào năm 2014. Năm 2019, Huawei có số lượng bằng sáng chế được cấp thứ hai bởi Văn phòng Bằng sáng chế Châu Âu. Năm 2021, báo cáo Chỉ số Sở hữu trí tuệ Thế giới hàng năm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) xếp hạng số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế được công bố theo Hệ thống PCT của Huawei là thứ 1 thế giới, với 5464 đơn đăng ký bằng sáng chế được công bố trong năm 2020.
Tính đến năm 2023, Huawei là nhà sản xuất thiết bị 5G hàng đầu và có thị phần thiết bị 5G lớn nhất, đồng thời đã xây dựng khoảng 70% trạm gốc 5G trên toàn thế giới.
>> Giới siêu giàu thế giới sắp 'đổ bộ' vào bất động sản Việt Nam