Chính thức trình làng tàu siêu tốc nhanh hơn máy bay cự ly ngắn: Di chuyển 1.200km chỉ tốn 2,5 giờ, kết hợp loạt công nghệ cao gồm AI, 5G và siêu dẫn
Tàu siêu tốc này có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 600km/h.
Theo SCMP, ngày 11/7, tàu đệm từ do Trung Quốc chế tạo đã chính thức ra mắt công chúng tại Bắc Kinh. Đây là phương tiện giao thông mặt đất nhanh nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, góp phần rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển và củng cố vị thế của nước này trong vai trò quốc gia dẫn đầu thế giới về mạng lưới đường sắt cao tốc.

Tàu có tốc độ tối đa lên tới 600km/h, do Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc (CRRC) phát triển. Thiết kế khí động học với phần mũi nhọn giúp giảm lực cản không khí. Video từ đài truyền hình nhà nước CCTV cho thấy nội thất của tàu mang phong cách tương lai.
Giai đoạn kỹ thuật đầu tiên đã được hoàn thành vào tháng 7/2024. Trước khi đi vào khai thác thương mại, tàu sẽ trải qua các thử nghiệm về tuyến đường, đánh giá an toàn và kiểm tra tính khả thi kỹ thuật.
Theo trang tin The Paper có trụ sở tại Thượng Hải, con tàu sẽ phục vụ các tuyến giữa đô thị lớn, đóng vai trò bổ sung cho mạng lưới đường sắt hiện có.
Với tốc độ tối đa 600km/h, tàu siêu tốc này được nhận định còn nhanh hơn máy bay ở cự ly ngắn. Tàu đệm từ siêu tốc chỉ mất 2,5 giờ để hoàn thành quãng đường 1.200km từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, so với 5,5 giờ như các tuyến cao tốc hiện nay.

Ông Shao Nan, kỹ sư cao cấp của CRRC, cho biết con tàu mới kết hợp độ chính xác, an toàn của vận tải đường sắt với tốc độ của hàng không. CRRC kỳ vọng phương tiện này sẽ lấp đầy khoảng cách tốc độ giữa đường sắt cao tốc và hàng không trong phạm vi 2.000km.
Công nghệ đệm từ siêu dẫn tốc độ cao được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp giao thông thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng hơn. Những lợi thế bao gồm tốc độ vượt trội, tiếng ồn vận hành thấp, không phát thải, chi phí bảo trì dài hạn thấp nhờ hệ thống không tiếp xúc giúp giảm ma sát và hao mòn cơ học.
Công nghệ này hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng điện từ giữa nam châm siêu dẫn trên tàu và đường ray, cho phép tàu lơ lửng sau khi đạt vận tốc 150km/h. Trước mốc này, tàu sử dụng bánh xe cao su để di chuyển.


"Mô hình này được trang bị chức năng lái tự động hoàn toàn, đòi hỏi tích hợp nhiều công nghệ như truyền thông 5G, thu thập video AI, cảm biến âm thanh và triển khai các loại cảm biến dọc theo tuyến đường", ông Shao nói.
Tuyến đệm từ đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào hoạt động từ năm 2003, nối Sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải với trung tâm thành phố, do Đức xây dựng. Đến năm 2016, Trung Quốc khai trương tuyến đệm từ nội địa đầu tiên tại Trường Sa và tiếp tục mở tuyến tại Bắc Kinh vào năm 2017. Tuy nhiên, cả hai đều là các tuyến đệm từ tốc độ thấp, với vận tốc tối đa chỉ 120km/h.
Kể từ giữa những năm 2000, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, trở thành mạng lưới lớn nhất thế giới với tổng chiều dài đạt 48.000km tính đến cuối năm 2024. Nhà điều hành đường sắt Trung Quốc đặt mục tiêu nâng con số này lên hơn 50.000km trong năm nay.
>> Thử nghiệm thành công tàu cao tốc chạy 405km/h mà không cần nâng cấp đường ray