Nhà đầu tư chứng khoán nói gì về phiên 10/1?

10-01-2022 17:39|Danh Khôi

Trên một số diễn đàn đầu tư chứng khoán, nhiều ý kiến/tranh luận đã được nêu ra trong đó đa số nhà đầu tư đều bộc lộ trạng thái thất vọng.

Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần 10/1/2022 ghi nhận cú đảo chiều đầy bất ngờ khi VN-Index đang đi ngang trên ngưỡng tham chiếu bỗng chốc "lao dốc không phanh" khi mất gần 25 điểm và trở lại kiểm định vùng 1.500 điểm.

Điểm nhấn trong phiên đến từ một số cổ phiếu bất động sản đang có đà tăng "siêu nóng" trong thời gian qua như CEO, CII, LDG, LCG, VCG, ROS. Những mã này trong phiên sáng đang còn thăng hoa nhờ dòng tiền vẫn ồ ạt chảy vào, cổ phiếu LDG hay ROS có thời điểm đã tăng kịch trần lên mức giá tím.

Nhiều nhà đầu tư còn đang còn hân hoan với mức lãi ngày một nở rộ bỗng chốc "méo mặt" vì lực bán tháo dồn dập trong nửa cuối phiên chiều khiến tình thế xoay chuyển 180 độ.

Theo đó, toàn bộ nhóm cổ phiếu trên đã "phi" nhanh xuống mức giá sàn cùng tình trạng "trắng bên mua". Trong đó, cổ phiếu CEO do giao dịch trên HNX nên có mức giảm mạnh nhất 9,9% xuống 83.300 đồng/cổ phiếu, LDG giảm 7% xuống 25.400 đồng/cổ phiếu; VCG giảm 7% xuống 52.000 đồng/cổ phiếu; CII , LCG và ROS cũng đồng loạt giảm sàn 6,9%

Khối lượng giao dịch cũng tăng cao đột biến như ROS (50,8 triệu cổ phiếu), VCG (16,6 triệu cổ phiếu), CII (16,3 triệu cổ phiếu),…

Trên diễn đàn đầu tư chứng khoán, nhiều ý kiến/tranh luận đã được nêu ra trong đó đa số nhà đầu tư đều bộc lộ trạng thái thất vọng.

Ở một diễn biến lạc quan hơn:

Cổ phiếu bất động sản - xây dựng "đánh úp" nhà đầu tư

Báo cáo của một số công ty chứng khoán thời gian gần đây đã điểm tên một số cổ phiếu bất động sản "siêu nóng" kèm theo khuyến nghị bán bởi thị giá đã tăng quá cao so với định giá hợp lý.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) sử dụng cụm từ "Nguy hiểm" để khuyến nghị về cổ phiếu CEO. SBS nêu mức giá hợp lý cho cổ phiếu CEO chỉ là 21.695 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 26% thị giá hiện tại.

Ngoài ra, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên bán cổ phiếu DIG vì định giá không còn hấp dẫn với PB 2022 là 4,8 lần (cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành là 3,5 lần). VDSC định giá mục tiêu cho cổ phiếu DIG là 36.100 đồng/cổ phiếu là hợp lý, tương đương mức giảm gần 70% so với giá trị hiện tại.

Cân nhắc vào mới dịp cuối năm

Đánh giá về nhóm cổ phiếu cổ phiếu bất động sản thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, cần phải nhìn nhận trên hai yếu tố:

Thứ nhất là yếu tố định giá. Ông Minh cho rằng, rất khó có thể bắt bài thời điểm kết thúc của một "con sóng" cổ phiếu. Tuy nhiên, xét về yếu tố định giá có rất nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đang có mức định giá quá "nóng" so với giá trị thực.

Chuyên gia dự báo, trong năm 2022 lạm phát sẽ tăng và kéo theo đó là đà tăng của lãi suất. Bản chất các doanh nghiệp bất động sản là "sống" bằng vốn vay và sử dụng đòn bẩy tài chính để thực hiện các dự án. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính, việc lãi suất tăng trở lại sẽ là "con dao hai lưỡi" khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó.

Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, dòng tiền thường có khuynh hướng dịch chuyển từ những cổ phiếu có mức định giá cao sang những cổ phiếu có mức định giá thấp. Do đó, chuyên gia cho rằng sức hút của những cổ phiếu tăng "nóng" thời gian qua có thể sẽ hạ nhiệt.

Thứ hai là yếu tố dòng tiền. Quan sát một số cổ phiếu bất động sản, ông Minh nhận thấy giá cổ phiếu càng lên cao, thanh khoản càng có xu hướng giảm dần. Tuy không thể biết mức đỉnh của cổ phiếu là bao nhiêu song chuyên gia cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy cổ phiếu đang trong giai đoạn hình thành đỉnh.

"Mua cổ phiếu bất động sản thời điểm này không khác gì đánh bạc. Trong những "ván bạc" đầu tiên, nhà đầu tư thường mua với tỷ trọng nhỏ, nhưng khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng đẩy tài khoản tăng gấp đôi gấp ba sẽ khiến nhiều người đặt ra kỳ vọng "đây là cơ hội lớn để làm giàu". Tâm lý FOMO đẩy lên cao sẽ khiến nhiều nhà đầu tư mạnh tay all in trong những "ván bạc" tiếp theo. Đây cũng là lúc mức độ rủi ro lên đến đỉnh điểm và nếu không tuân thủ kỷ luật có thể "cháy tài khoản" trong phút chốc", Giám đốc Yuanta khuyến nghị.

Sở dĩ, có rất nhiều "sóng" cổ phiếu bất động sản là do những nhà đầu tư cá mập tạo lập và khi họ rút chân ra, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ là người bị "nhấn chìm" đầu tiên. Để tránh tình trạng đó, chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên "all in" 1 cổ phiếu đã tăng giá quá mạnh. Bởi nếu cổ phiếu đã tăng sốc rất dễ giảm sâu và "quay về nơi bắt đầu" nếu không đi kèm yếu tố nội tại.

Đặc biệt, nhà đầu tư cần chú ý giai đoạn cận Tết âm lịch thị trường có thể chứng kiến cú sụt giảm bất ngờ. Thêm vào đó, kết quả kinh doanh quý IV/2021 khi được công bố có thể sẽ phơi bày thực trạng kinh doanh thua lỗ, dự án kém khả quan của nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Ông Minh cho rằng, đây không phải thời điểm thích hợp để mua mới đồng thời nên hạ tỷ trọng margin cho nhóm cổ phiếu này. Theo đó, nhà đầu tư chỉ nên xem xét mua mới khi những con số về doanh thu và lợi nhuận được hiện thực hóa trên báo cáo tài chính sắp tới của doanh nghiệp.

"Nhà đầu tư mua cổ phiếu bất động sản thường kỳ vọng về những tiềm năng trong tương lai. Khi báo cáo được công bố, nhà đầu tư có thể nắm được doanh nghiệp thực sự có tiềm lực tài chính, khả năng phát triển dự án hay đơn thuần chỉ "tát nước theo mua". Bức tranh của các doanh nghiệp được "vén màn" cũng là lúc chúng ta có thể nhìn rõ hơn sự dịch chuyển dòng tiền", ông Minh phân tích.

Dòng tiền thận trọng kéo VN-Index vượt 1.230 điểm, nhóm trụ bị bán trở lại

Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-dau-tu-chung-khoan-noi-gi-ve-phien-101-117402.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhà đầu tư chứng khoán nói gì về phiên 10/1?
    POWERED BY ONECMS & INTECH