Nhà đầu tư đã rót tiền vào đâu để thu lợi lớn nhất?

04-02-2024 06:53|Trâm Anh

Mỗi lựa chọn đầu tư đều có những điểm nhấn khác nhau, cùng điểm qua những kênh đầu tư sinh lời năm 2023.

Năm 2023 trôi qua với nhiều điểm nhấn về kinh tế, xã hội. Năm 2023 cũng tạo rất nhiều cơ hội, nhiều kênh đầu tư cho tất cả mọi người. Nhiều kênh đầu tư ổn định đã mang lại "quả ngọt" cho nhiều người. Những kênh đầu tư nào hút nhiều người quan tâm nhất trong năm qua?

Dòng tiền "tránh gió", đổ nhiều vào tiết kiệm

Do kinh tế chưa phục hồi như kỳ vọng trong năm 2023, NHNN liên tiếp hạ lãi suất điều hành trong năm 2023 nhằm mục đích hạ mặt bằng cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đang ở mức thấp lịch sử, thấp hơn giai đoạn Covid-19.

>> Techcombank (TCB) điều chỉnh giảm lãi suất tại nhiều kỳ hạn từ ngày 2/2

Sau nhiều tháng liền điều chỉnh giảm, trong những ngày cuối tháng 12/2023, lãi suất huy động vẫn tiếp tục trên hành trình lập kỷ lục xuống thấp. Hầu hết lãi suất các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng đã giảm xuống dưới mức 6%/năm tại thời điểm cuối năm 2023.

Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng
Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng

Việc lạm phát được kiểm soát tốt kỳ vọng khiến NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế. Do vậy, mặt bằng lãi suất ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2024.

Tuy lãi tiền gửi xuống "đáy" sâu, song tiền nhàn rỗi tiếp tục chảy vào ngân hàng. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối năm 2023 tăng 10,03% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85%.

Thống kê từ NHNN đến hết tháng 9/2023 cũng cho thấy, lượng tiền gửi của cư dân và các tổ chức kinh tế vẫn đạt gần 12,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.

Hiệu suất đầu tư cổ phiếu cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm

VN-Index đóng cửa năm 2023 sát ngưỡng 1.130 điểm, tăng 12,2% so với cuối năm 2022, hơn gấp đôi lãi suất tiết kiệm. Mức tăng của chỉ số VN-Index được dẫn dắt bởi những nhóm ngành như chứng khoán, tài nguyên cơ bản, công nghệ thông tin, hóa chất, dầu khí, xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng. Đây là những nhóm ngành được hưởng lợi nhờ xu thế nới lỏng tiền tệ và các chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế gần đây của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nhìn chung, thị trường cổ phiếu năm qua diễn biến tích cực cho đến đầu tháng 9, có thời điểm VN-Index ghi nhận mức tăng gần 24% so với đầu năm, đạt hơn 1.255 điểm. Động lực chính là chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN, với 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nhìn lại các kênh đầu tư tại Việt Nam trong năm qua
Diễn biến VN-Index năm 2023

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán năm 2023 có độ nhạy cao với chính sách tiền tệ. Thị trường hưng phấn, tăng mạnh sau động thái cắt giảm lãi suất liên tiếp của NHNN và phản ứng tiêu cực khi có động thái hút tiền từ cơ quan này để ổn định tỷ giá. Hai tháng cuối năm, sau khi NHNN ngừng hút tiền, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định trở lại, diễn biến thị trường chứng khoán hồi phục nhẹ rồi đi ngang

Lượng tài khoản mở mới đều duy trì ở mức cao trên 150 nghìn tài khoản/tháng trong 6 tháng cuối năm. Điều này đã giúp gia tăng dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán. Dòng tiền cá nhân nhập cuộc thận trọng giai đoạn đầu, nhưng mạnh mẽ hơn từ cuối tháng 4 đã giúp VN-Index dần đi lên, trở thành một trong những chỉ số chứng khoán tăng điểm ấn tượng trên thế giới.

Vàng bùng nổ, tăng 13%

Năm 2023, chứng kiến giá vàng tăng kỷ lục và đang đắt nhất mọi thời đại. Trong khi các kênh đầu tư truyền thống kém hấp dẫn cộng thêm sự giới hạn trong nguồn cung vàng miếng đã thúc đẩy giá vàng tăng cao trong những tháng cuối năm. Căng thẳng địa chính trị leo thang, có thể kế đến như xung đột Nga - Ukraine và xung đột giữa Israel - Hamas khiến vàng tiếp tục được coi là kênh trú ẩn an toàn. Kết thúc năm, giá vàng tăng hơn 13% so với đầu năm.

Có thời điểm, giá vàng miếng SJC vọt lên sát 77 triệu đồng/lượng, cao nhất lịch sử, xô đổ kỷ lục 74 triệu đồng đã từng lập tháng 3/2022.

Nhìn lại các kênh đầu tư tại Việt Nam trong năm qua
Giá vàng trong nước và thế giới

Trong bối cảnh thế giới bất ổn chính trị, lạm phát neo cao, dự báo năm 2024, dòng tiền vẫn tìm đến những kênh đầu tư mang tính chất phòng thủ như vàng. Do đó, giá vàng chưa thể hạ trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng vẫn chỉ nên coi vàng là một kênh để đa dạng hóa danh mục đầu tư, bởi với các nhà đầu tư Mỹ, ưu tiên hàng đầu vẫn là cổ phiếu, trái phiếu và tài sản. Ngoài ra, người mua vàng cũng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới.

Bất động sản: Thiếu nguồn cung căn hộ

Thị trường căn hộ trong năm 2023 ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang chững lại về nguồn cung, nguyên nhân vẫn đến từ khó khăn trong thủ tục pháp lý dự án và áp lực tài chính tại nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản (BĐS).

Nhìn lại các kênh đầu tư tại Việt Nam trong năm qua
Tình hình giao dịch các căn hộ tại Hà Nội

Hầu hết giao dịch thành công đến từ những căn hộ đã mở bán từ các giai đoạn trước. Năm 2023, chỉ gần 10 nghìn căn hộ được bàn giao tại Hà Nội.

Để giải quyết khó khăn của thị trường BĐS, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ ban hành tới 7 nghị quyết, nghị định và thông tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường, điển hình như Nghị định số 08/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết 33/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản; Công văn 178/TTG-CN thúc đẩy, tháo gỡ cho thị trường bất động sản; Nghị định số 10/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai, bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng…

Bên cạnh đó, hàng loạt hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản được tổ chức nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình vực dậy thị trường. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã phần nào tác động đến bức tranh thị trường bất động sản; Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cũng thúc đẩy sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Viglacera.

Cuối năm 2023, đầu năm 2024, Quốc hội liên tiếp thông qua các bộ Luật liên quan đến thị trường BĐS như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ vấn đề pháp lý cho nhiều dự án, cải thiện nguồn cung cũng như số lượng giao dịch thành công trong thời gian tới.

>> Các ông lớn vẫn gom vàng ồ ạt

Làm gì để khi ngủ cũng kiếm bộn tiền: Warren Buffett tiết lộ 3 khoản đầu tư đáng giá để ung dung khi về già

[INFOGRAPHIC] Ngày cổ phiếu NAB 'chuyển nhà' đã được ấn định, nhìn lại hành trang lên sàn Hose qua những con số ấn tượng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-dau-tu-da-rot-tien-vao-dau-de-thu-loi-lon-nhat-222250.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhà đầu tư đã rót tiền vào đâu để thu lợi lớn nhất?
    POWERED BY ONECMS & INTECH