Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy với tốc độ không tưởng rồi đổ tiền vào châu Á: Chuyện gì đang xảy ra?
Tỷ phú Allan Wong – đồng sáng lập hãng đồ chơi điện tử VTech – chia sẻ với Nikkei Asia rằng dù các khoản đầu tư tại Mỹ của ông hiện vẫn “ổn” và “vẫn tiếp tục”, nhưng ông “cuối cùng sẽ chuyển toàn bộ dòng vốn trở lại Trung Quốc đại lục”.
Trong bối cảnh chính sách thương mại thất thường và căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư giàu có đang cắt giảm tỷ trọng tài sản tại Mỹ, đồng thời tìm kiếm cơ hội ổn định hơn tại châu Á.
Động thái bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ hôm 19/5 cho thấy tâm lý thị trường trở nên thận trọng sau khi hãng xếp hạng tín dụng Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA1. Moody’s cảnh báo mức nợ công ngày càng tăng và lãi suất của Mỹ “cao hơn đáng kể” so với các quốc gia có mức xếp hạng tương đương.

Dù tâm lý thị trường đã khởi sắc phần nào trong tháng này nhờ thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các nhà đầu tư châu Á vẫn không khỏi lo ngại trước những rủi ro địa chính trị và chính sách thuế quan khó lường từ Washington. Nhiều cuộc thảo luận đã nổ ra xoay quanh nhu cầu đa dạng hóa tài sản, giảm phụ thuộc vào đồng USD.
"Nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng rót tiền vào nhiều quốc gia khác nhau thay vì chỉ tập trung vào Mỹ. Họ muốn tìm kiếm sự ổn định và cơ hội sinh lời ở những nơi khác", ông Derrick Tan, Chủ tịch điều hành công ty quản lý tài sản Wrise cho biết.
Bà Ivy Hu, Giám đốc phụ trách thị trường vốn cổ phần Trung Quốc của UBS Group, cho biết các quỹ đầu tư đã rút vốn khỏi Mỹ vì căng thẳng thương mại. “Hiện tại, cả các quỹ trong nước lẫn toàn cầu đều tập trung vào Hồng Kông (Trung Quốc)”, bà nói.
Ông Georges Elhedery, Giám đốc điều hành HSBC, cho biết nhiều khách hàng của ngân hàng đã chuyển bớt tiền khỏi cổ phiếu Mỹ, thay vào đó đầu tư vào quỹ mở hoặc trái phiếu và ưu tiên thị trường Hồng Kông hoặc Trung Quốc đại lục.
Tháng trước, lo ngại về khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy niêm yết tại Mỹ đã khiến nhiều quỹ đầu tư Mỹ chuyển chứng chỉ lưu ký (ADR) sang cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông
Bà Enna Weng, cựu Giám đốc điều hành tại Freedom Capital Markets, cho biết các nhà đầu tư tổ chức Mỹ có tài khoản ở nước ngoài đang chuyển sang mua cổ phiếu tại các đợt IPO ở Hồng Kông, vì thị trường này đang dần phục hồi. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng hiện nay hầu hết nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi và chưa rót vốn, do chính sách thương mại thay đổi liên tục.
Hiện có gần 300 công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ, phần lớn thông qua ADR. Goldman Sachs ước tính các nhà đầu tư tổ chức Mỹ đang nắm giữ khoảng 830 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc, bao gồm cả ADR.
Chính sách "Ưu tiên đầu tư nội địa Mỹ" do Tổng thống Donald Trump công bố hồi tháng 2 cho thấy khả năng Mỹ sẽ siết chặt thêm việc đầu tư vào Trung Quốc, nhất là trong một số ngành nhạy cảm và với một số nhóm nhà đầu tư cụ thể. Theo các chuyên gia, điều này có thể khiến dòng tiền dịch chuyển khỏi Mỹ và quay trở lại châu Á, đặc biệt là Hồng Kông (Trung Quốc).
Luật sư Clifford Ng từ công ty luật Zhong Lun nhận định: “Chi tiết các chính sách thuế có thể thay đổi, nhưng hướng đi thì đã rõ – Chính phủ Mỹ không còn cởi mở với dòng vốn đầu tư chảy vào Trung Quốc”.
Chỉ trong tháng 4, các nhà đầu tư Mỹ đã rút 6 tỷ USD khỏi bốn quỹ ETF lớn nhất chuyên đầu tư vào Trung Quốc. Động thái này diễn ra sau khi chính quyền ông Trump thông báo tăng mạnh thuế với hầu hết các đối tác thương mại và để ngỏ khả năng hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và tổ chức tài chính vẫn giữ một phần tài sản bằng USD vì đồng tiền này vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Theo các chuyên gia, việc Mỹ và Trung Quốc “tách rời hoàn toàn” về tài chính là khó xảy ra, vì Mỹ vẫn là thị trường vốn lớn và có thanh khoản sâu. Dù vậy, căng thẳng thương mại đang khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên chia cắt hơn.
Ngoài ra, ngày càng nhiều người Mỹ siêu giàu tìm kiếm quyền cư trú hoặc quốc tịch thứ hai do lo ngại sự bất ổn chính trị từ Washington. Theo công ty tư vấn Henley & Partners (Anh), người Mỹ chiếm tới 30% số đơn xin đầu tư định cư, tăng 183% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Jacob Shapiro, Giám đốc nghiên cứu địa chính trị và kinh tế vĩ mô tại Bespoke Group, nhận định: “Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, nhà đầu tư thực sự xem xét các cơ hội bên ngoài nước Mỹ, cân nhắc lại rủi ro, quy định và tiềm năng tăng trưởng. Trong thời đại mà địa chính trị đóng vai trò quyết định, dòng tiền thông minh sẽ hướng tới tương lai, chứ không bám vào quá khứ”.
Tỷ phú Allan Wong – đồng sáng lập hãng đồ chơi điện tử VTech – cũng chia sẻ với Nikkei Asia rằng dù các khoản đầu tư tại Mỹ của ông hiện vẫn “ổn” và “vẫn tiếp tục”, nhưng ông “cuối cùng sẽ chuyển toàn bộ dòng vốn trở lại Trung Quốc đại lục”.
Tham khảo Nikkei Asia