Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn với tốc độ không tưởng rồi đổ vào Trung Quốc: Chuyện gì đang xảy ra?
Theo Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE), chỉ riêng trong tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào Trung Quốc tổng cộng 17,3 tỷ USD.
Giới đầu tư “quay xe” khỏi Mỹ
Thị trường tài chính toàn cầu đang chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt: Từ tâm điểm là Mỹ sang các nền kinh tế mới nổi châu Á. Các yếu tố như đồng USD suy yếu, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt và rủi ro tài khóa gia tăng đã khiến dòng vốn tìm đến những điểm đến được đánh giá là ổn định hơn, trong đó có Trung Quốc.
Trong một báo cáo ngày 17/5, các chuyên gia từ Bank of America viết: “USD yếu, lợi suất trái phiếu Mỹ đạt đỉnh, kinh tế Trung Quốc phục hồi...đã đến lúc cho các thị trường mới nổi”. Báo cáo này được công bố ngay sau khi Moody's thông báo hạ một bậc xếp hạng của Mỹ, từ mức cao nhất là Aaa xuống Aa1.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm đã vượt mốc 5% trong phiên giao dịch đầu tuần – mức cao nhất kể từ tháng 11/2023. Diễn biến này phản ánh tâm lý hoài nghi của thị trường đối với khả năng kiểm soát ngân sách của Washington.
Trung Quốc trở thành điểm đến của dòng vốn
Trong khi tình hình tài chính ở Mỹ đang bất ổn, Trung Quốc lại trở thành điểm đến an toàn cho dòng tiền quốc tế. Theo Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE), chỉ riêng trong tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào Trung Quốc tổng cộng 17,3 tỷ USD. Trong đó, họ mua thêm 10,9 tỷ USD trái phiếu và bắt đầu quay lại mua cổ phiếu Trung Quốc sau một thời gian đứng ngoài thị trường.
Sự khởi sắc này diễn ra trong bối cảnh hai nước tuyên bố “đình chiến thương mại” kéo dài 90 ngày và dữ liệu kinh tế Trung Quốc tháng 4 cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét. Các ngân hàng đầu tư lớn đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc nhờ sức bật nội tại và dòng vốn quốc tế quay trở lại.

Lo ngại về nợ công Mỹ ngày càng lớn
Trong khi đó, những cảnh báo về rủi ro tài chính tại Mỹ tiếp tục dày đặc. Trong báo cáo công bố ngày 20/5, Deutsche Bank nhận định: “Một trong những điều được công nhận rộng rãi nhất trên thị trường là con đường nợ công của Mỹ không thể duy trì được. Điều chưa biết là khi nào hệ thống sụp đổ”.
Ngân hàng này cho rằng tuyên bố “Ngày Giải phóng” của ông Trump vào ngày 2/4 – ám chỉ việc tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc – có thể là bước ngoặt khiến thị trường bắt đầu nghi ngờ về một lợi thế lâu nay của Mỹ: Khả năng vay tiền với lãi suất thấp hơn so với mức hợp lý.
Dù điều này không gây quá nhiều bất ngờ, việc Moody’s hạ bậc đánh giá đã được Deutsche Bank ví như “một vết nứt nhỏ trên bức tường tưởng như kiên cố” của niềm tin vào tài chính Mỹ.
Tâm lý nhà đầu tư chuyển hướng sang châu Á
Các nhà đầu tư quốc tế đang phản ứng rõ rệt trước những bất ổn tài khóa và chính sách tại Mỹ. Ông Larry Tentarelli, người sáng lập bản tin thị trường Blue Chip Daily Trend Report (Mỹ), nói: “Gần đây, Trung Quốc đang trở nên hấp dẫn. Tôi thấy nhiều cơ hội tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)”.
Ông Tentarelli cảnh báo rằng bất kỳ trục trặc nào trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong 3-6 tháng tới sẽ là rủi ro lớn đối với thị trường Mỹ, trong khi tác động của thuế quan lên lạm phát tại Mỹ vẫn chưa thực sự xuất hiện.
Cũng trong ngày 20/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ cần có những chính sách trách nhiệm hơn nhằm giữ ổn định cho hệ thống kinh tế – tài chính toàn cầu và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Các chuyên gia của Bank of America cảnh báo tình hình tài khóa của Mỹ đang xấu đi và sẽ còn tồi tệ hơn nếu các kế hoạch cắt giảm thuế sắp tới được triển khai. Họ cho biết Thượng viện nhiều khả năng sẽ đề xuất một dự luật còn làm tăng thâm hụt ngân sách mạnh hơn cả phương án đang được Hạ viện xem xét.
Theo ước tính trong báo cáo, dự luật cắt giảm thuế quy mô lớn này có thể khiến thâm hụt ngân sách hàng năm của Mỹ tăng lên mức 7-8% GDP trong 10 năm tới, vượt xa giới hạn 3% mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent từng đưa ra.
Tham khảo SCMP
>> USD lao dốc không tưởng, nhà đầu tư rút vốn chuyển sang tiền tệ châu Á: Chuyện gì đang xảy ra?