Nhà ga sở hữu đến 4 cái nhất của Việt Nam là nhà ga cổ độc nhất Đông Dương, có tuyến đường sắt răng cưa duy nhất ở châu Á và dài nhất thế giới
Đây là nhà ga cổ sở hữu 4 “cái nhất” đầy ấn tượng mà ít ai biết đến.
Ga Đà Lạt (phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là nhà ga chính của tuyến đường sắt răng cưa độc đáo Phan Rang - Đà Lạt, dài 84 km nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Ninh Thuận. Công trình được xây dựng từ năm 1932 đến 1938 thì hoàn thành.
Sau khi được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, ga Đà lạt đầu tư trở thành điểm tham quan du lịch thu hút đông đảo du khách. Đây là nhà ga đường sắt nắm giữ nhiều cái nhất của Việt Nam: Nhà ga cao nhất, cổ nhất (cùng với ga Hải Phòng), độc đáo nhất, đẹp nhất.
Vì TP. Đà Lạt nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, nên ga Đà Lạt được coi là nhà ga cao nhất Việt Nam. Đoạn đường sắt răng cưa dài 16km, vượt độ cao 1.000m của đèo Sông Pha với độ dốc 12% được thiết kế theo kiểu Thuỵ Sỹ.
Nhà ga do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế. Thi công và thầu khoán là một người Việt tên Võ Đình Dung, với kinh phí xây dựng là 200.000 Francs. Công trình dài 66,5m, ngang 11,4m, cao 11m được khởi công xây dựng từ năm 1932 và hoàn thành vào năm 1938.
Nhờ có tuyến đường sắt này mà vật liệu xây dựng được chở lên Đà Lạt thuận lợi với khối lượng lớn, tạo ra sự bùng nổ về xây dựng tại Đà Lạt giai đoạn 1935 - 1945. Từ đây, các sản phẩm nông sản của xứ lạnh cũng tỏa khi khắp cả nước và ngược lại là các nông sản nhiệt đới cùng một lượng lớn khách du lịch.
Hiện tại, tuyến đường sắt vận chuyển đã dừng hoạt động nhưng vẫn còn phục vụ khách du lịch. Đó là tuyến TP. Đà Lạt đến Trại Mát có độ dài 7km. Trên tuyến này, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn quang cảnh thơ mộng của thành phố, tham quan chùa Linh Phước, thị trấn Trại Mát.
Ga Đà Lạt là một công trình kiến trúc cổ kính đẹp bậc nhất của TP. Đà Lạt, được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương. Là một nha ga có quy mô không lớn, song với kiến trúc đặc sắc, hài hòa với thiên nhiên, ga Đà Lạt là một công trình đẹp, là điểm nhấn đô thị.
Trải qua biết bao thăng trầm, kiến trúc nhà ga vẫn còn nguyên vẹn và là một hình ảnh tiêu biểu của TP. Đà Lạt. Ga Đà Lạt luôn là điểm tham quan được nhiều khách du lịch yêu thích và là nơi nhiều bạn trẻ đến để lưu giữ kỉ niệm cho bộ ảnh cưới của mình.
Điều đặc biệt thú vị là đầu kéo cho hai đôi tàu tại ga là đầu máy hơi nước chuyên dụng HG 4/4- mã hiệu của đầu kéo dùng cho đường sắt có đoạn có ray răng cưa do Công ty CFI ở Đông Dương đặt hàng Công ty SLM (Schweizerische Lokomotiv) Winterthur Thụy Sĩ chế tạo.
Mỗi đầu máy hơi nước thường có 1 lái tàu, 2 nhân viên phụ trách tiếp nước, đốt than. Để vượt đèo, mỗi đầu máy có lắp hệ thống bánh răng, khi lên đèo, lái tàu sẽ điều khiển cho hệ thống này “ngoạm” chặt vào đường răng cưa nằm giữa 2 đường ray để leo lên dốc.
Hiện nay, tại ga cũng trưng bày một đoạn đường sắt răng cưa. Đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt được khởi công xây dựng năm 1912, hoàn thành sau 24 năm, là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất ở châu Á và dài nhất thế giới. Ngoài tuyến Phan Rang - Đà Lạt, trên thế giới chỉ có thêm 1 tuyến tương tự ở Thụy Sĩ nhưng ngắn hơn và cũng đã dừng hoạt động.
Hệ thống răng cưa được đặt giữa 2 thanh đường ray để giúp tàu có thể leo núi, nối miền biển Phan Rang (Ninh Thuận) với vùng cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng). Sau nhiều năm ngừng hoạt động, cơ quan chức năng 2 tỉnh đang triển khai kế hoạch khôi phục tuyến đường sắt độc đáo này với kinh phí hơn 1 tỉ USD. Một tập đoàn lớn của Thụy Sĩ cũng quan tâm và muốn tham gia dự án trên.
Ga Đà Lạt cũng là một nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo, khá giống nhà ga xe lửa ở miền Nam nước Pháp với phần nhô ra từ nóc và thụt vào phía chân theo hướng thẳng đứng. Nơi đây đậm dấu ấn văn hóa bản địa với 3 chóp nhọn, cách điệu ba đỉnh núi của cao nguyên Langbiang hay mái nhà rông đặc trưng Tây Nguyên tùy theo góc nhìn và sự liên tưởng của từng người.
Đặc biệt, phía trước còn có mặt đồng hồ to ghi lại mốc thời gian mà bác sĩ Alexandre Yersin đã phát hiện ra cao nguyên Langbiang và Đà Lạt (15h30 phút ngày 21/6/1893).
Qua rất nhiều đổi thay, Ga Đà Lạt vẫn tồn tại và lưu giữ ký ức một thời của Thành phố. Không chỉ là điểm tham quan hấp dẫn du khách mà còn chứa đựng nhiều giá trị của Đà Lạt nói chung và con người nơi đây nói riêng. Cuối năm 2001, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận ga Đà Lạt là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Hé lộ vị trí hai nhà ga đường sắt tốc độ Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Nam
Dự án sân bay lớn nhất Việt Nam: Chuẩn bị mời thầu 6 gói thầu lớn để kịp khởi công đầu năm 2025