Những thông tin hé lộ cho rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến vương quyền tại Xây dựng Hoà Bình bắt nguồn từ những “lo lắng” liên quan đến khoản vay mà HBC cấp cho 2 công ty con do con trai ông Lê Viết Hải điều hành.
Cuộc nội chiến tại CTCP Tập đoàn Xây Dựng Hoà Bình (mã chứng khoán HBC) vẫn đang dai dẳng chưa có hồi kết và đang “chiếm sóng” xuất hiện trên mọi phương diện, đặc biệt những người quan tâm, những người trong giới bất động sản.
Những thông tin “bề nổi” mới xuất hiện gần đây, nhưng chắc hẳn tiến trình đã xuất hiện từ trước đó.
Nguồn cơn của cuộc nội chiến đang được hé lộ
Câu chuyện bắt đầu từ việc giữa tháng 12/2022 Tập đoàn Hoà Bình công bố những Nghị quyết liên quan đến việc ông Lê Viết Hải từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, rời khỏi Hội đồng quản trị. Đồng thời thống nhất ông Nguyễn Công Phú – Thành viên HĐQT độc lập sẽ được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT của Xây dựng Hoà Bình.
Cùng với đó, Hoà Bình sẽ lập nên một “cơ cấu” được gọi tên là Hội đồng sáng lập, do ông Lê Viết Hải là Chủ tịch Hội đồng sáng lập này. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng sáng lập cũng khá “lớn” xét trên phương diện cấp quyền: Được tham dự họp HĐQT, được có ý kiến…. Tuy vậy dù sao, đó vẫn như là một ban để “cố vấn”.
Các quyết định này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2023.
Mọi sự chuẩn bị, rút lui của ông Hải, và bầu ông Phú lên làm Chủ tịch HĐQT được ghi rõ là để phù hợp với quy định nhằm đưa ông Lê Viết Hiếu – con trai ông Lê Viết Hải lên vị trí Tổng Giám đốc.
Cùng với đó một thông cáo báo chí được đưa ra, trong đó giới thiệu rất rõ nội dung việc chuyển giao, có những hình ảnh của các lãnh đạo chụp cùng nhau.
Tuy vậy 31/12/2022 – ngay trước khi Nghị quyết có hiệu lực, phía Xây dựng Hoà Bình công bố thông tin mới, theo đó huỷ bỏ mọi quyết định trước đó liên quan đến việc chuyển giao này, ông Lê Viết Hải vẫn là Chủ tịch HĐQT.
Cơm không lành, canh không ngọt, việc chuyển giao thế hệ không thể thực hiện, nội chiến diễn ra. Hai bên bắt đầu hành động. Phía ông Lê Viết Hải sắp tới đây triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm bầu thay thế Thành viên HĐQT.
Phía ông Nguyễn Công Phú và nhóm Thành viên HĐQT, cổ đông liên quan cũng liên tục tung ra những thông tin “nội bộ” của Hoà Bình - những nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc nội chiến này.
Một trong số những thông tin khiến nhiều nhà đầu tư, những người quan tâm chú ý là việc một Thành Viên HĐQT độc lập – ông Dương Văn Hùng – hé lộ về việc Xây dựng Hoà Bình cấp những khoản đầu tư “chưa trở về” cho các công ty con do con trai ông Lê Viết Hải điều hành, và những khoản tạm ứng cho các cá nhân…
Một trong những nội dung được tiết lộ từ những cuộc họp báo, những công bố thông tin của nhóm ủng hộ ông Nguyễn Công Phú hé lộ tên 2 công ty đang là “tâm điểm” liên quan đến những khoản đầu tư mà ông Hùng nói đến: CTCP Nhà Hoà Bình và CTCP Tiến Phát.
Nhà Hoà Bình: Kinh doanh thua lỗ triền miên
CTCP Nhà Hoà Bình thành lập tháng 7/2007 với mục tiêu phát triển thế mạnh kinh doanh địa ốc sau lĩnh vực xây dựng của Tập đoàn Hoà Bình (HBC). Chức năng hoạt động chính là đầu tư kinh doanh bất động sản, phân phối và tiếp thị bất động sản, tư vấn phát triển dự án, quản lý và cho thuê văn phòng, toà nhà.
Hiện tại Nhà Hoà Bình có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, do HBC sở hữu 99,96%. Các dự án đầu tư của Nhà Hoà Bình được công bố gồm The Ascent (Phường Thảo Điền, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh); Dự án Green Park (phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân) và dự án Soho Riverview tại phường 26 quận Bình Thạnh.
Danh sách những dự án công ty phân phối gồm SHP Plaza tại Hải Phòng, Ngọc Nam hương (quận 8 – TP Hồ Chí Minh), dự án Soho Premier quận Bình Thạnh, dự án Grand Riverside ở Bến Vân Đồn, dự án Riva Park ở quận 4, dự án Tropic Garden quận 2, dự án Vinhome Central Park quận Bình Thạnh…Công ty còn cung cấp những dịch vụ phát triển dự án tổng thể Design & Build.
Nhà Hoà Bình đang vận hành hệ thống Pax Sky - hệ thống vận hành các toà nhà văn phòng cho thuê tại Thành phố hồ Chí Minh. Tỷ lệ lấp đầy theo thông báo thường xuyên được duy trì ở mức cao.
Tuy vậy tình hình kinh doanh của Nhà Hoà Bình rất bết bát, thua lỗ triền miên. Từ 2014 đến nay chỉ duy nhất năm 2020 công ty báo lãi sau thuế xấp xỉ 8,5 tỷ đồng, còn lại đều làm ăn thua lỗ. Đặc biệt năm 2021 được cho là ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19 khiến công ty lỗ lớn gần 85 tỷ đồng.
Về doanh thu, mức cao nhất đạt được năm 2016 gần 335 tỷ đồng. Các năm 2020 và 2021 đều đạt xấp xỉ 227 tỷ đồng nhưng năm 2020 lãi 8,5 tỷ đồng còn năm 2021 lỗ đến gần 85 tỷ đồng.
Hiện tại ông Lê Viết Hoà, con trai ông Lê Viết Hải, đang là Tổng Giám đốc của Hoà Bình House. Tuy vậy lần lại lịch sử, trước đó Hoabinh House được điều hành bởi ông Lê Quốc Duy – người hiện tại đang được xem là một trong số những lãnh đạo không ủng hộ việc tại chức của ông Lê Viết Hải. Ông Lê Quốc Duy hiện là Thành viên HĐQT của tập đoàn Hoà Bình.
Thông tin ghi nhận ông Lê Quốc Duy, sinh năm 1981, tốt nghiệp bằng cử nhân Đại học Washington và Thạc sỹ quản trị kinh doanh Maastricht Hà Lan. Từ 2007 đến 2010 ông là Giám đốc đầu tư của HBC và là Tổng giám đốc của CTCP Nhà Hoà Bình. Từ tháng 2/2010 ông là Phó Tổng Giám đốc HBC kiêm Tổng Giám đốc Nhà Hoà Bình.
Các Báo cáo cụ thể của Tập đoàn Hoà Bình không thể hiện rõ các khoản cho vay hay đầu tư vào các nhóm công ty con như các trả lời phỏng vấn của ông Dương Văn Hùng.
Địa ốc Tiến Phát cũng đang kinh doanh thua lỗ
Địa ốc Tiến Phát có vốn điều lệ 720 tỷ đồng, do HBC sở hữu 99,74%, cũng do ông Lê Viết Hoà làm người đại diện.
Công ty chuyên về đầu tư và phát triển bất động sản. Thông tin ghi nhận hiện tại Tiến Phát đang là công ty phát triển bất động sản tại các dự án The Ascent (Thảo Điền, quận 2); dự án Grand Central (quận 3); dự án Riva Park; dự án Grand Riverside; dự án Ascent Riverside quận 4; dự án The Pentra quận bình Thạnh…
Một điểm khá trùng hợp là ông Lê Quốc Duy trước đây cũng đã điều hành Địa ốc Tiến Phát. Cụ thể, từ năm 2015 đến tháng 2/2020 ông Duy là Chủ tịch HĐQT của Địa ốc Tiến Phát – cũng thời điểm đó ông đang đồng nắm giữ chức vụ tại HBC và Nhà Hoà Bình.
Các số liệu về kết qủa kinh doanh của Tiến Phát không cập nhật nhiều, tuy vậy những số liệu thu thập được đều thấy không khả quan. Doanh thu lớn nhất đạt được năm 2017 với 978 tỷ đồng. Trước đó doanh thu năm 2016 của Tiến Phát đạt 796 tỷ đồng. Còn các năm 2019 đến nay doanh thu giảm sốc. Cụ thể doanh thu năm 2019 đạt 190 tỷ đồng, năm 2021 vừa qua đạt 100 tỷ đồng, còn năm 2020 thậm chí doanh thu ghi âm hơn 3 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế năm 1016 đạt 11 tỷ đồng, năm 2017 đạt hơn 8 tỷ đồng. Năm 2020 đạt 9 tỷ đồng. Còn năm 2019 và 2021 vừa qua lại lỗ lớn với số lỗ 35 tỷ đồng năm 2019 và 56 tỷ đồng năm 2021.
“Soi” tình hình tài chính của Xây dựng Hoà Bình sau những thông tin hé lộ
Nếu như nói mọi nguồn cơn của cuộc chiến vương quyền tại Xây dựng Hoà Bình bắt đầu từ những lo lắng của một nhóm trong Hội đồng quản trị về các khoản tiền liên quan những công ty con do ông Lê Viết Hoà điều hành. Vậy xem xét thêm về tình hình tài chính của Xây dựng Hoà Bình.
Tiền và các khoản tương đương tiền đến 30/9/2022 đòn 585 tỷ dồng; các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn còn hơn 14 tỷ đồng. Tổng các khoản phải thu ngắn hạn hơn 13.355 tỷ đồng trong đó có khoản phải thu ngắn hạn khác gần 1.800 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho đạt gần 2.800 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2022 tổng tài sản công ty đạt gần 18.700 tỷ đồng, tuy vậy tổng nợ cũng tăng nhanh chóng lên mức 14.900 tỷ đồng. Tỷ trọng giữa nợ phải trả và tổng tài sản đang lớn dần những năm gần đây.
Dòng tiền của công ty, trên BCTC quý 3/2022 ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi âm hơn 1.300 tỷ đồng chủ yếu do tăng/giảm các khoản phải thu. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng đang ghi âm 319 tỷ đồng còn lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương1.500 tỷ đồng.
Tổng các khoản phải thu của Hoà Bình đến 30/9/2022 là hơn 1.800 tỷ đồng. Phân tích các khoản phải thu này có khoản tạm ứng cho nhân viên với số dư gần 176 tỷ đồng (giảm 250 tỷ đồng so với đầu năm) và khoản phải thu khác 1.371 tỷ đồng, tăng 870 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản này không được giải trình rõ số liệu.
Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định, hữu nghị
Khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác, đầu tư vào Việt Nam