Nhà mạng rục rịch triển khai 5G: Những ngành nào được ưu tiên?
Theo một số nguồn tin, mạng 5G thương mại đầu tiên có thể sẽ ra mắt ngay trong tháng 10/2024.
Tại hội thảo về chuyển đổi số diễn ra ngày 30/9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, các nhà mạng dự kiến sẽ triển khai 5G trước tiên ở những khu vực mà mạng 4G không còn đáp ứng được nhu cầu.
Ngoài ra, công nghệ 5G cũng sẽ được ưu tiên triển khai tại một số khu công nghiệp và khu công nghệ cao, nơi có thể tận dụng lợi thế của mạng thế hệ mới nhờ tốc độ cao và độ trễ thấp.
Đại diện Cục Viễn thông không tiết lộ thời gian cụ thể, nhưng cho biết việc triển khai có thể diễn ra vào cuối năm nay, chậm nhất là tháng 4/2025. Đây cũng là thời hạn mà các doanh nghiệp viễn thông phải tuân thủ theo cam kết sau khi đấu giá băng tần hồi tháng 3.
Ông Nhã nhấn mạnh, kết quả đấu giá với tổng số tiền hơn 12.000 tỷ đồng cho ba khối băng tần là minh chứng rõ ràng cho cam kết của các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào công nghệ 5G.
“Trong những tháng qua, các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư hạ tầng để chuẩn bị cho 5G”, ông chia sẻ. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai đã bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Sau khi bão qua, các doanh nghiệp đã tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng 5G.
>> Việt Nam sẽ có một ngành công nghiệp mới?
Ông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ tại sự kiện vừa qua |
Theo một số nguồn tin trong ngành, mạng 5G thương mại đầu tiên có thể sẽ ra mắt ngay trong tháng 10. Nokia trước đó cũng xác nhận sẽ triển khai thiết bị 5G cho một nhà mạng trong năm nay.
Tại sự kiện, Ericsson – một nhà cung cấp thiết bị 5G cho biết đã tham gia vào các dự án thử nghiệm 5G tại Việt Nam từ năm 2019. Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam”. Bà cũng cho biết, Ericsson có khả năng hỗ trợ chuyển đổi liền mạch từ 4G sang 5G, tối ưu hóa hiệu suất mạng và khai thác giá trị từ hạ tầng đáp ứng nhu cầu đặc thù của Việt Nam.
Việc triển khai 5G được kỳ vọng sẽ bao gồm cả mạng riêng (private network) cho các ngành công nghiệp như sản xuất, logistics, cũng như thành phố thông minh, đồng thời cung cấp dịch vụ truy cập không dây cố định (fixed wireless access) để mang lại kết nối Internet tốc độ cao cho những khu vực khó triển khai mạng cáp quang.
Bà Mokbel cũng đề xuất Việt Nam nên tham khảo mô hình triển khai 5G tại Ấn Độ, một trong những quốc gia triển khai nhanh nhất thế giới với độ bao phủ 90% chỉ trong vòng 21 tháng. Thống kê từ Ericsson cho thấy, Ấn Độ đã vươn lên từ vị trí 86 lên hạng 16 trong bảng xếp hạng hiệu suất mạng toàn cầu, với 198 triệu thuê bao 5G, và mỗi thuê bao trung bình sử dụng 23 GB dữ liệu mỗi tháng.
>> Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên triển khai thành công mạng 5G độc lập