Nhà máy đóng tàu đẳng cấp thế giới tại Việt Nam ấp ủ kế hoạch thu về 702 triệu USD trong năm nay
Tính đến ngày 31/1/2025, liên doanh này đã bàn giao tổng cộng 183 con tàu.
Chiều 25/4, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã chủ trì buổi gặp mặt thân mật với đại diện Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) và Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (HVS).
HVS là liên doanh giữa Tập đoàn HD Hyundai (Hàn Quốc) và SBIC, được thành lập từ năm 1996. Ban đầu hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa tàu biển, đến năm 2008, HVS chuyển hẳn sang lĩnh vực đóng mới và phát triển lớn mạnh trở thành nhà máy đóng tàu đẳng cấp thế giới.
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc. Nguồn: sbic.com.vn |
Tính đến ngày 31/1/2025, HVS đã bàn giao tổng cộng 183 con tàu, bao gồm tàu hàng có tải trọng lên đến 87.000 tấn và tàu chở dầu lên tới 115.000 tấn cho khách hàng đến từ nhiều quốc gia như Singapore, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hy Lạp, Đan Mạch, Ý…
Riêng trong năm 2024, doanh nghiệp đã hoàn thành việc bàn giao 15 tàu đóng mới cùng một cabin, ghi nhận doanh thu đạt 624 triệu USD. Sang năm 2025, HVS dự kiến sẽ bàn giao 16 tàu và 9 cabin, với doanh thu ước đạt 702 triệu USD.
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, HVS đang đẩy mạnh đầu tư để cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng danh mục sản phẩm như tàu sử dụng nhiên liệu kép thân thiện với môi trường, tàu container, tàu chở ô tô, tàu đa năng, tàu hỗ trợ hàng hải…
Giai đoạn 2008–2024, doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 322 triệu USD cho hạ tầng và trang thiết bị phục vụ hoạt động đóng mới, nâng công suất lên mức 800.000–950.000 DWT/năm, tương đương khoảng 15–16 tàu/năm với tải trọng từ 50.000–115.000DWT.
Trong thời gian tới, HVS sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng như nhà xưởng, bến cảng… cho việc nâng công suất lên 23 tàu/năm đến năm 2030 và chi phí đầu tư dự kiến khoảng 100 triệu USD.
Kế hoạch khôi phục các chuyến bay đặc biệt từ Hàn Quốc đến sân bay 60 năm tuổi của Việt Nam
Hàn Quốc bất ngờ áp thuế nặng với thép không gỉ của Việt Nam