Nhà máy xử lý nước thải 6.000 tỷ đồng, lớn nhất Đông Nam Á tại TPHCM
Dự kiến hoàn thành xây dựng vào 6/2025, hiện tại công trình Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP Thủ Đức) áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, đã đạt gần 50% tổng khối lượng.
Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP Thủ Đức) nằm trong Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM. Giai đoạn 2 thực hiện từ 2015 với tổng vốn đầu tư hơn 11.114 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư xây dựng nhà máy gần 6.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành xây dựng vào 6/2025. Hiện tại, công trình đã đạt gần 50% tổng khối lượng.
Nhà máy xử lý nước thải bao gồm một tòa nhà hành chính, trạm bơm nâng, khu vực tiền xử lý, khu vực xử lý sinh học, bể lắng, khu vực xử lý bùn và xử lý mùi. Các hạng mục quan trọng như hệ thống bể lọc và xử lý nước thải đã hoàn thiện phần thô. Riêng bể xử lý bùn thải và trạm bơm đang được đẩy nhanh tiến độ.
Khu vực bể SBR xử lý nước thải có dạng hình chữ nhật, phần thành được xây dựng bằng bê tông như một bức tường.
Hạng mục bể lắng đứng cao 27m đang được xây dựng và dần thành hình. Trong quy trình xử lý nước thải, các cặn bùn, hạt, dưới tác dụng của trọng lực, sẽ lắng xuống dưới và lớp bùn dưới đáy sẽ được hút ra để xử lý riêng.
Những ngày này, khoảng 600 công nhân và kỹ sư đang làm việc liên tục để đảm bảo tiến độ hoàn thành của nhà máy. Hiện nhà thầu đã triển khai mua sắm thiết bị, dự kiến lắp đặt vào tháng 11 năm nay.
Theo chủ đầu tư, nhà máy xử lý nước thải áp dụng công nghệ xử lý sinh học MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor), sử dụng các giá thể di động cho vi sinh vật bám dính và phát triển để loại bỏ các chất hữu cơ trong nước thải. Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Khu vực xây dựng trạm bơm nước thải đầu vào đang được thi công. Nơi này sẽ góp phần giúp nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè đạt công suất xử lý lượng nước thải tối đa 34.000 m3/giờ, phục vụ cho khoảng 1,4 triệu dân. Khi dự án đi vào hoạt động, toàn bộ nước thải của dân cư dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải dài qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và TP Thủ Đức được gom về nhà máy thông qua hệ thống cống bao dài khoảng 17km.
Đây một trong những nhà máy xử lý nước thải lớn nhất khu vực Đông Nam Á với công suất thiết kế 480.000 m3/ngày đêm, lưu lượng lớn nhất là 34.000 m3/h. Khi hoàn thành nhà máy sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm. (Hiện tại, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của TP là 644.000 m3/ngày, mới đạt khoảng 40% lượng nước thải hàng ngày).