Nhận biết bánh chưng "luộc bằng pin" để tránh mang bệnh vào người

20-01-2023 06:10|Lan Ngọc

Theo chuyên gia, bánh chưng luộc bằng pin thường có màu sắc xanh mướt bắt mắt hơn nhưng lại vô cùng độc hại đối với người sử dụng.

Từ nhiều năm, luộc bánh chưng đã là truyền thống lâu đời của mỗi gia đình người Việt dịp Tết đến. Công đoạn này thường kéo dài khoảng từ 8 - 10 tiếng đến khi bánh chín.

Thế nhưng nếu áp dụng cách luộc bánh chưng bằng pin, thời gian luộc sẽ rút ngắn. Cách luộc bánh này tuy giúp bánh chín nhanh hơn, nhưng lại gây nguy hại cho an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Vì vậy, người tiêu dùng cần chú ý việc lựa chọn bánh chưng ngày Tết, bởi những chiếc bánh xanh đẹp, dẻo thơm trên thị trường thường có thể chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe.

Pin chứa nhiều chất cực độc

nhan-biet-banh-chung-luoc-bang-pin.jpg
Ảnh minh họa.

Pin hay pin lithium đều chứa bên trong chất điện phân, thường là kali hydroxit - một chất kiềm. Bên cạnh đó, cũng có những hóa chất để thúc đẩy phản ứng điện hóa tạo ra dòng điện.

Đặc tính của môi trường kiềm là giúp tinh bột hấp thụ nước tốt hơn. Do đó, nếu bên trong nồi bánh chưng có pin, bánh sẽ mau chín hơn.

Tuy nhiên, bánh chung được nấu theo phương pháp này sẽ không đảm bảo được độ ngon, bánh không có mùi thơm, vỏ bánh mất đi màu xanh tự nhiên, nếp không được dẻo,... Không chỉ vậy, nếu ăn phải loại bánh chưng này sẽ gây nguy hại đến sức khỏe do chứa nhiều độc tố bên trong.

Về mặt thành phần, pin chứa bên trong nhiều kim loại nặng, gồm thủy ngân, chì, cadmium, asen (thạch tín)... Đây đều là những chất cực độc, có thể gây tổn hại cho cơ thể với nhiều mức độ khác nhau.

Trong đó, tiêu biểu là nhiễm độc thủy ngân có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, gây độc cho hệ hô hấp, viêm thận, bệnh nhân nôn ra máu, toàn thân suy kiệt...

Nhiễm độc chì có thể gây ra chứng ngộ độc, dẫn tới bệnh não cấp tính hoặc tổn thương cơ quan không thể hồi phục.

Thạch tín khi tiếp xúc qua đường ăn uống ở một số lượng nhất định sẽ khiến nạn nhân ngộ độc, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, khát nước dữ dội, mạch tim đập yếu, nhợt nhạt rồi thâm tím, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng.

Nguy hiểm hơn, việc nhiễm độc này có thể diễn ra một cách chậm rãi thông qua việc tích lũy dần, rồi sau một thời gian mới gây hại cho cơ thể, khiến cho việc theo dõi tình trạng trở nên khó khăn.

Cách nhận biết bánh chưng luộc bằng pin

Theo chia sẻ từ các chuyên gia, bánh chưng luộc theo phương pháp truyền thống và khi luộc bằng pin có một số khác biệt, chủ yếu nằm ở lớp vỏ bánh, nhân bánh và lá gói. Vì vậy có thể dựa vào những đặc điểm này để phân biệt.

cach-nhan-biet-banh-chung-luoc-bang-pin-doc-hai.jpg

Vỏ lá gói bên ngoài: Nếu bánh chưng luộc theo cách truyền thống khoảng 10 tiếng thì lá gói bên ngoài sẽ bị ngả màu, hơi vàng. Còn bánh chưng luộc bằng pin thường có màu ánh tím hoặc xanh mướt như lá tươi mới gói bánh.

Bề mặt của bánh: Bánh chưng luộc bình thường bề mặt ngoài của bánh có màu xanh nhạt hơn hoặc ngả sang màu hơi vàng, nếp không được trong. Còn bánh luộc bằng pin vỏ bánh xanh rờn, nếp trong vắt, nhìn rất bắt mắt.

Tuy nhiên, nếu gói bánh chưng bằng lá dong thì bánh sẽ có màu xanh và nếp vẫn trong nhưng không trong và đậm như khi luộc bằng pin.

Với cách nhận biết này thì áp dụng cho bánh dùng nếp bình thường, còn nếu dùng nếp cẩm vỏ bánh có màu tím, có thể nhận biết có luộc bằng pin không bằng màu của lá gói bên ngoài và nhân bánh bên trong.

Nhân bên trong của bánh: Với bánh luộc bình thường nếp sẽ rất dẻo, có mùi thơm đặc trưng của bánh chưng, cầm chắc tay hơn. Còn bánh luộc bằng pin không có mùi thơm đặc trưng, nếp không được dẻo vì bị ép chín nhanh, cầm không chắc tay.

Để tránh mua nhầm bánh chưng luộc bằng pin, nên tìm đến những địa chỉ bán bánh uy tín, có thương hiệu hoặc tại siêu thị, cửa hàng lớn. Ngoài ra, cũng có thể tự gói bánh tại nhà để đảm bảo thành phẩm sạch và đạt yêu cầu. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa về mặt sức khỏe, mà còn góp phần tạo ra không khí Tết đầm ấm, sum vầy.

Trong quá trình ăn bánh chưng, nếu phát hiện thấy có mùi/vị lạ, vỏ bánh có màu khác thường, hoặc các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn... cần lập tức dừng ăn và kiểm tra kỹ hơn về nguồn gốc, thành phần của bánh.

NÚT START GẮN TRONG TIM và 1.900 chiếc bánh chưng mùa bão lũ của Bếp Nam Dương

Bánh chưng để lâu bị mốc một góc có ăn tiếp được không?

Bài thuộc chủ đề Công nghệ, Truyền thông
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhan-biet-banh-chung-luoc-bang-pin-de-tranh-mang-benh-vao-nguoi-166579.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhận biết bánh chưng "luộc bằng pin" để tránh mang bệnh vào người
    POWERED BY ONECMS & INTECH