Chứng khoán VCBS cho rằng, lực cầu bắt đáy trong tuần 21 - 25/2/2022 là không đủ để khiến VN-Index đi ngược lại xu hướng chung trên thế giới. Thị trường vẫn cần thêm những tín hiệu tích cực hơn ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Tổng quan phiên 25/2:
Về cuối phiên giao dịch, áp lực bán dâng cao đã đẩy hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu thu hẹp đà tăng cùng với đó rất nhiều cổ phiếu lớn đã chìm trong sắc đỏ. Ở nhóm dầu khí, PVD giảm sâu 3,9%, PVS giảm 2,9%, PVX giảm 1,6%,...
VPB là mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi góp hơn 1 điểm vào đà tăng của chỉ số; theo sau là các mã EIB, GEX, GVR, TPB, SSI,…
Ở chiều ngược lại, VIC và GAS là cặp đôi khiến sắc xanh của thị trường suy yếu khi đứng đầu nhóm đóng góp giảm, MSN, VJC, VHM,… là những mã còn lại của nhóm này.
Bên mua và bên bán đang khá cân bằng ở rổ VN30 với 14 mã tăng, 13 mã giảm và 3 mã đứng giá. VPB tăng trưởng ấn tượng trong phiên cuối tuần khi vượt trên 3%, SSI đứng ở vị trí thứ 2 khi tiến hơn 2%; TPB và HDB vượt 1%, các mã còn lại có sắc xanh nhẹ trên tham chiếu. Ở phía ngược lại, VJC giảm 2%; PLX, GAS, VIC, PDR và PNJ là những mã giảm hơn 1%.
Chỉ số ngành tài chính khác tăng trưởng tích cực khi vượt mức 6% trong phiên cuối tuần. Sự tích cực này là nhờ vào đóng góp của TVC với sắc tím kịch trần. Bên cạnh đó IPA cũng vượt 6% và OGC tăng nhẹ hơn 1%. Chỉ số ngành thiết bị điện, chứng khoán, sản phẩm cao su có đà tăng từ 1% đến 3%.
Ở nhóm ngành chứng khoán, sắc xanh xuất hiện ở hầu hết các mã của ngành này trong đó CTS vượt 5%, IVS tăng hơn 4%, VIG, SHS, AGR và VCI là những mã tăng hơn 3%. Có khá nhiều mã của ngành tăng trưởng từ 1% đến 2% như VND, APG, SSI, TVS, HBS, TVB…
Kết phiên, VN-Index tăng 4,04 điểm (0,27%) lên 1.498,89 điểm; HNX-Index tăng 5,28 điểm (1,21%) lên 440,16 điểm; UpCOM-Index tăng 0,34 điểm (0,3%) lên 112,66 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 29.272 tỷ đồng - giảm 29% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 28% xuống mức 24.595 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng ở sàn HOSE và HNX lần lượt hơn 67 tỷ đồng và hơn 14 tỷ đồng. HPG, VND và CTG là những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh ở sàn HOSE. Đối với sàn HNX, TNG và PVS là những mã dẫn đầu nhóm bán ròng.
Nhận định phiên 28/2:
CTCK Vietcombank (VCBS): Chờ xác nhận lớn hơn từ lực cầu
Lực cung chốt lời ngắn hạn vẫn là khá lớn quanh vùng 1.520 điểm khiến cho chỉ số vẫn đang có xu hướng dao động tích lũy đi ngang quanh mốc 1.500 điểm kể từ đầu tháng đến hiện tại.
Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine cũng làm dấy lên quan ngại về triển vọng thị trường trong ngắn hạn. Lực cầu bắt đáy trong tuần 21 - 25/2 là không đủ để khiến VN-Index đi ngược lại xu hướng chung trên thế giới.
VCBS kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn - vốn đã có mức giá chiết khấu khá sâu sau tuần vừa rồi.
CTCK Phú Hưng (PHS): Có thể giằng co
Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch gia tăng lên trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực bán đang có phần áp đảo. Không những vậy, chỉ số cũng không giữ được đóng cửa trên MA5, cùng với đường RSI suy yếu về vùng 56 và đường –DI có tín hiệu nới rộng khoảng cách lên phía trên so với +DI, cho thấy sức ép điều chỉnh đang quay trở lại.
Tuy nhiên, khi quan sát kỹ tín hiệu tổng quát, PHS nhận thấy phiên giảm với nến rút chân bóng dưới dài, cùng với các đường MA20 và 50 vẫn ở trạng thái hội tụ phẳng cho thấy kịch bản chỉ số vận động giằng co trong biên độ hẹp vẫn chưa thay đổi, với hỗ trợ quanh vùng 1.470- 1.480 điểm và kháng cự quanh 1.520 - 1.530 điểm (đỉnh cũ tháng 1/2022). Do đó, vùng hỗ trợ biên dưới đang đóng vai trò quan trọng cần theo dõi trước khi có quyết định thay đổi tỷ trọng danh mục.
Nhìn chung, thị trường vẫn duy trì trạng thái vận động giằng co trong biên độ hẹp.
Đoàn công tác Nhật Bản thị sát thực địa chuỗi dự án điện khí 12 tỷ USD
CTCK gọi tên 10 cổ phiếu tiềm năng sinh lời hàng chục % trong tháng 12, tâm điểm nhóm VN30